Ngày 24/7, chủ tàu Sang Fish 01 Lê Văn Sang (trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết hải trình đầu tiên của tàu vỏ thép công suất 750CV ra ngư trường Hoàng Sa thu gom hải sản cho thấy con tàu mang nhiều ưu điểm như vận tốc đạt 8,5 đến 9 hải lý/h; hoạt động ổn định, khả năng tiết kiệm nhiên liệu cao.
Tàu Sang Fish 01 được chạy thử nghiệm từ nhà máy đóng tàu ở Khánh Hòa về Đà Nẵng và bắt đầu mở biển ngày 16/7. Để làm phép so sánh, anh Sang cho chạy song song một tàu hậu cần nghề cá của gia đình. Kết quả với hải trình 200 hải lý, tàu gỗ tốn hơn 700 lít dầu, trong khi tàu vỏ thép chỉ tiêu hao 320 lít dầu.
Chuyến biển lần này anh Sang thu mua được 14 tấn cá. Chủ nhân con tàu có vốn đầu tư 12 tỷ đồng tỏ ra hài lòng với hầm bảo quản, ngăn trữ hàng khép kín giúp giảm tiêu hao đá và hải sản. Tàu dài hơn 25m, rộng gần 8m, chiều cao mạn 3,6m có độ trôi tàu theo đúng hướng sóng gió ổn định hơn so với tàu gỗ.
Tại buổi tọa đàm tìm giải pháp hiệu quả của các loại tàu đang đánh bắt xa bờ tổ chức tại Đà Nẵng ngày 24/7, chủ tàu vỏ thép Hoàng Anh 01, anh Mai Văn Thành (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đưa ra cùng nhận định với ngư dân Sang nhưng kiến nghị đến đơn vị đóng tàu cần hạ thấp cabin vì hiện tại bộ phận này quá cao dẫn đến rung lắc, chân vịt nhỏ khiến tàu khó di chuyển trong điều kiện sóng lớn...
Những ý kiến của chủ tàu vỏ thép nhận được sự tiếp thu tích cực của các đơn vị liên quan. Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Ngãi Phạm Huy Hoàng, địa phương đang có 140 hộ ngư dân đăng ký vay vốn ưu đãi để đầu tư đóng mới tàu vỏ thép, 10 hộ đăng ký đóng tàu vỏ composite. Trước mắt sẽ có khoảng 10 hộ ngư dân được chọn làm thí điểm để đánh giá hiệu quả.
Nguyễn Đông