Hai ngày sau khi về bờ, những kiểm ngư viên trên tàu kiểm ngư số hiệu 951 có những phút bình yên hiếm hoi để điện thoại thăm hỏi gia đình, bạn bè.
Con tàu hằn nguyên những thương tích hai bên mạn, phòng y tế, buồng chứa khí đang được công nhân nhà máy đóng tàu X50 (Đà Nẵng) cấp tập sửa chữa để sớm trở lại Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Cú đâm của tàu Tân Hải 285 Trung Quốc làm rách toác buồng chứa khí CO2 chữa cháy trên tàu kiểm ngư 951, đe dọa nổ tung. Ảnh: Nguyễn Đông
Dáng người rắn rỏi, thuyền trưởng Mai Văn Bằng (quê Hải Hậu, Nam Định) không rời mắt khỏi những vết thương thân tàu. Anh kể, 951 là một trong những con tàu chấp pháp Việt Nam có mặt đầu tiên ở Hoàng Sa, ngay sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan 981 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Nhiều lần bị các tàu Trung Quốc túa ra từ phía giàn khoan bao vây theo thế gọng kìm, thuyền trưởng Bằng cùng các thủy thủ điều khiển 951 cơ động vòng tránh và liên tục phát loa kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Khoảng 9h30 sáng 23/6, tàu 951 nhận lệnh cùng biên đội tàu kiểm ngư và cảnh sát biển tiến sâu vào khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Cách giàn khoan chừng 9,1 hải lý, 7 tàu Trung Quốc xuất hiện bao vây 951. Thuyền trưởng lệnh cho tàu duy trì tốc độ 12 hải lý/giờ để tránh đâm va. Bất ngờ, tàu Hữu Liên 9 của Trung Quốc hú còi, đâm vào mạn phải 951. "Con tàu nghiêng hẳn sang một bên, ngay phía sau là tàu hải tuần 11 áp sát, tấn công bằng vòi rồng", anh Bằng nhớ lại.
* Lời kể của kiểm ngư viên Nguyễn Viết Chinh
Bị ghì chặt, vận tốc tàu 951 giảm xuống 6 hải lý/giờ. Anh Bằng lệnh cho các thủy thủ đóng kín các cửa, khoang tàu, vịn chặt các bộ phận bên trong tàu tránh ngã nhào, còn mình bình tĩnh đứng bên mạn phải rồi vòng sang mạn trái để quan sát. Tàu Tân Hải 285 to gấp 4 lần 951 nãy giờ áp sát bỗng nhả khói đen ngòm, tăng tốc hướng thẳng mũi vào mạn trái tàu 951. Bị tàu Trung Quốc ghì chặt, mọi nỗ lực nhằm đưa tàu kiểm ngư Việt Nam thoát ra đều bất thành.
Mũi tàu Tân Hải lao lên ngay phía dưới lan can chỗ thuyền trưởng Bằng đứng, những tiếng kêu chát chúa vang lên. Theo đà, mũi tàu Trung Quốc trượt xuống, kéo nát mạn trái thân tàu 951, phòng y tế và buồng chứa 8 bình khí CO2 rách toạc. "Lực đâm mạnh hơn một chút nữa là buồng CO2 phát nổ như bom, lúc đó hậu quả sẽ khôn lường. Không chỉ tàu chúng tôi, mà ngay cả các tàu Trung Quốc xung quanh cũng có thể đã chìm xuống đáy biển", anh Bằng cho biết.
Lúc này hai thuyền viên Vũ Hoàng Sơn và Cao Đình Hải (quê Thái Bình) đứng ở boong sau ghi lại những hình ảnh con tàu của mình bị đâm nát. Cú đâm của tàu Tân Hải 285 khiến nhiều mảnh tôn trên tàu rách văng ra xa. Nhìn thấy mảnh tôn bay về phía mình, anh Hải nghiêng người tránh nhưng vẫn bị tôn cứa rách tay. Còn anh Sơn trong quá trình con tàu chao đảo cũng bị mảnh tôn lớn đè lên chân gây thương tích. "Tôi và Sơn được anh em trên tàu sơ cứu tại chỗ và tiếp tục nhận lệnh xuống khoang tàu bị đâm rách tát nước, cứu tàu chìm", thuyền viên Hải kể và cho biết dù đi biển nhiều nhưng đây là lần đầu tiên anh tận mắt thấy hành động dã man từ phía tàu Trung Quốc.

Kiểm ngư viên Nguyễn Viết Chinh kể lại thời khắc tàu bị đâm nát. Đây là lần thứ hai tàu 951 bị đâm khi thực thi nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Đông
Kiểm ngư viên Nguyễn Viết Chinh kể tàu 951 bị tông nghiêng sang một bên không thể tăng tốc thoát ra ngoài. Mọi người trên tàu dùng tất cả quần áo, mảnh xốp để vít những chỗ nước tràn vào, không để khoang máy bị ướt. "Suốt lúc tàu bị đâm va cho đến khi thoát được ra ngoài, tất cả anh em trên tàu tâm lý đều vững vàng, bởi chúng tôi biết dù nguy hiểm nhưng sau lưng chúng tôi là hàng triệu trái tim của nhân dân cả nước cùng những người yêu chuộng công lý, hòa bình", anh Chinh bộc bạch.
Thân tàu 951 rách bươm nhưng vẫn bị nhiều tàu Trung Quốc tiếp tục bám sát. "Họ quyết đâm chìm tàu chúng tôi khi liên tục tăng tốc lao vào những chỗ đã rách trên thân tàu chúng tôi. Đây là hành vi vô nhân đạo, phi nhân tính. Ngay cả về luật hàng hải, các tàu Trung Quốc cũng sai hoàn toàn. Chúng tôi có đầy đủ những đoạn video ghi lại thời khắc tàu 951 bị tàu Trung Quốc đâm va để chứng minh rằng họ đã sai", thuyền trưởng Bằng nói.
Chiều 23/6, mình đầy thương tích nhưng tàu kiểm ngư 951 vẫn tiếp tục tiến vào giàn khoan Hải Dương 981 để phát loa tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan hạ đặt trái phép cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển chủ quyền Việt Nam. Anh Bằng bảo, đã đạp sóng để có mặt ở Hoàng Sa, mỗi kiểm ngư viên và cảnh sát biển Việt Nam luôn sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần vì toàn vẹn lãnh thổ. Các thuyền viên đang đếm từng ngày, mong sửa xong tàu để cưỡi sóng quay lại Hoàng Sa.
Nguyễn Đông