Khi ở ngoài khơi Thái Bình Dương và trước khi đổ bộ vào miền Trung Philippines Haiyan là một trong những cơn bão mạnh nhất được ghi nhận, sánh ngang với những cơn bão gây nỗi kinh hoàng như Katrina, Andrew đổ bộ vào Mỹ. Tuy nhiên sau khi tràn qua Philippines do ma sát với các đảo, bão đã giảm 2-3 cấp, gió giật mạnh tối đa đạt 183km/h.
14h30 chiều nay, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Trung ương cho biết, trong chiều và đêm 9/11, bão sẽ di chuyển theo hướng tây bắc, tây tây bắc và tiếp cận bờ biển từ Quảng Ngãi cho đến Quảng Nam, Đà Nẵng vào khoảng sáng sớm 10/11. Sau đó bão đổi hướng men dọc theo bờ biển các tỉnh Trung Bộ từ Đà Nẵng tới Quảng Trị vào khoảng sáng đến trưa 10/11. "Tâm bão có khả năng không vào bờ nhưng đi dọc theo bờ biển", ông Tăng nhận định.
Trưa 10/11, khi men tới bờ biển các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An nhiều khả năng bão sẽ liếm dần vào bờ biển các tỉnh này. Khi đến Hà Tĩnh, Nghệ An, tâm bão mới thật sự nằm trong đất liền. Còn Quảng Bình theo dự báo một phần bão nằm trong đất liền, phần bão ở biển. Sau khi tiếp cận bờ, bão suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến đêm 10 và sáng 11/11 sẽ di chuyển lên Bắc Bộ.
Như vậy, theo ông Tăng so với nhận định của hai ngày trước thì đường đi và phạm vi của bão có sự khác biệt. Cụ thể, bão ít có khả năng đổ bộ thẳng góc với các tỉnh miền Trung nên khu vực ảnh hưởng trực tiếp của bão mở rộng nhiều ra phía bắc, thậm chí các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ cũng có thể bị ảnh hưởng của gió bão.
Do di chuyển lên phía bắc, bị ma sát với đường bờ và vùng nước có nhiệt độ thấp hơn nên cường độ bão suy giảm, mức độ hủy hoại của gió bão đỡ hơn. Vì nếu đổ bộ thẳng vào Trung Bộ khi sức gió còn lên đến 149km/h thì sức hủy hoại rất lớn.
Mặc dù yếu hơn so nhận định ban đầu nhưng đây là cơn bão rất mạnh nên khi di chuyển theo dọc ven biển và khi đổ bộ gió bão vẫn có thể mạnh tương đương, thậm chí mạnh hơn so với hai cơn bão số 10 và 11. Đồng thời phạm vi ảnh hưởng của bão kéo dài hơn vì dịch chuyện lên Bắc Bộ.
Tính đến 14 giờ ngày 9/11, tỉnh Thanh Hóa đã có 7.355 phương tiện với 24.266 lao động trên biển đã vào nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn. Tuy nhiên vẫn còn 140 phương tiện với 467 lao động đang hoạt động trên biển chưa vào bờ. Hiện chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ với các gia đình kêu gọi ngư dân trên các chòi canh, lồng bè vào bờ, giúp dân chằng chống nhà cửa xong trước 18h ngày 9/11.
Trong ngày 9/11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cũng đã cử 13 đoàn công tác (mỗi đoàn 3-5 người của các sở, ban ngành liên quan) đến các địa phương triển khai phương án phòng chống lụt bão, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
Trong khi đó, 17h chiều 9/11, tại trung tâm Hà Tĩnh và huyện ven biển như Lộc Hà trời nhiều mây, biển động nhẹ. Phần lớn người dân vẫn sinh hoạt bình thường ở nhà, kể cả những người sống trong ngôi nhà lợp ngói ven biển; chỉ một số ngôi nhà được dựng tạm bằng tre nứa và lợp mái tranh, mái tôn, được lực lượng bộ đội biên phòng tới động viên gia đình di chuyển để tránh nguy hiểm.
Các lực lượng ở địa phương huyện Lộc Hà như thanh niên tình nguyện, cảnh sát giao thông, công an, bộ đội được tăng cường hơn 1.000 người cùng các phương tiện để giúp người dân chèn những bao tải cát lên mái tôn và vận chuyển nhiều đồ đạc trong những ngôi nhà có nguy cơ bị tốc mái đến nơi an toàn.
Ngay từ đầu giờ chiều, những tiếng loa, đài phát thanh tại các huyện, các xã, các thôn ven biển Lộc Hà, Hà Tĩnh liên tục phát đi những bản tin báo bão, vận động người dân phòng chống và di chuyển, tránh bão một cách an toàn nhất.
Trao đổi với VnExpress, ông Dương Anh Tú, chủ tịch huyện Lộc Hà cho biết, huyện là một trong những địa bàn trọng yếu, có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn của cơn bão nên đã vận động gần 4.000 hộ dân di chuyển khỏi những ngôi nhà có nguy cơ bị tốc mái đến những nơi an toàn như đến nhà thờ, các nhà dân xây kiên cố ở trong làng để trú bão.
Từ trưa nay, người dân thôn Tân Phú, xã Quang Phú, Đồng Hới, Quảng Bình đã tấp nập chuẩn bị chống bão. Hầu hết các mái nhà của người dân ven biển đều được chằng buộc các bao cát nặng, chống gió làm tốc mái. Những lô cốt chiến tranh từ lâu bỏ không cũng được người dân dọn dẹp lại để sẵn khi gió to sẽ chui vào tránh bão.
Chị Nguyễn Thị Sen nhà gần bờ biển xã Quang Phú cho biết, từ chiều nay mọi người dân trong khu đã tập trung quét dọn, đốt rác, bỏ bớt cát lấp trong lô cốt ra để tránh bão. Lô cốt này dài khoảng 5 - 6m, rộng khoảng 2,5 m với hai cửa ra và một vài lỗ thông hơi. Một số người dân dự tính sẽ chuẩn bị sẵn củi, bếp để nấu nướng phòng mưa bão kéo dài.
“Suốt hôm qua đến giờ tâm trí tôi rối bời. Bão trước vừa qua lật tung nóc nhà, thì trận bão này đã tới. Gia đình không có đàn ông, không biết rồi đây sẽ chống chọi ra sao”, người phụ nữ vừa hối hả xúc cát vào bao để chuyển lên nóc nhà vừa nói.
Đã để sẵn các bao cát lớn lên nóc nhà, một người tên Tiến ở gần biển còn xây sẵn một hầm trú ẩn, chừng 4-5m2, cao 1m; một tấm ván được chặn ngang nhà để “nếu gió có lật mái hay làm sập cái gì xuống thì vẫn an toàn”.
Tại Quảng Trị, ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch huyện Vĩnh Linh cho biết, đây là cơn bão rất mạnh nên tỉnh xác định toàn địa bàn huyện đều là điểm xung yếu. "Toàn bộ các lực lượng đã được huy động để đi tản dân chúng ở trong nhà cấp 4, kể cả mới xây, và các điểm sát biển hay vùng thấp có nguy cơ ngập. Việc di tản sẽ phải được hoàn thành trước 19h hôm nay 9/11", ông Minh nói.
Tại Thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị), cả ngày nay chính quyền tới từng xóm làng để vận động, giúp đỡ người dân di tản. Tới 15h, huyện đã di tản 583 hộ với 1782 nhân khẩu tới những nơi an toàn. Toàn bộ các hộ dân có nhà cấp 4 đều phải di tản, kể cả nhà mới xây chắc chắn.
Song song với việc di tản, khắp Thị trấn Cửa Tùng, người dân hối hả củng cố nhà cửa trước giờ bão đến. Các bao cát nặng được chất lên các mái. Hệ thống cửa được bịt kín bằng các tấm tôn lớn.
Chiều 9/11, nhiều nơi thuộc Thừa Thiên – Huế trời đã bắt đầu đổ mưa. Người dân đã chủ động chằng chống nhà cửa, di chuyển những tài sản có giá trị đến nơi an toàn. Tại xã bãi ngang Hải Dương, thị xã Hương Trà, hàng trăm hộ dân nhanh chóng thực hiện lệnh di dời tránh siêu bão.
Ông Nguyễn Liêm, chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết, toàn xã có 671 hộ với 2988 người nằm trong diện di dời; trong đó gồm các thôn xung yếu như Thai Dương Hạ Nam (134 hộ dân với 631 khẩu), thôn Thai Dương Hạ Trung (201 hộ với 967 hộ dân)…
“Đây là một cơn bão có sức tàn phá rất lớn nên chính quyền xã sẽ tuyên truyền và vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn tránh bão trước 17h”, ông Liêm nói.
Bà Hồ Thị Tuyết (57 tuổi, thôn Cồn Đâu, xã Hải Dương) nói: “Sáng nay xem thời sự, thấy người ta dự báo về siêu bão mà gia đình tui run cầm cập, thấy sức tàn phá của nó khi qua Philippines mà tui phát ớn”.
Theo kế hoạch, Thừa Thiên - Huế có 11.274 hộ, với hơn 150.072 người phải sơ tán, di dời từ vùng sạt lở, vùng ven biển và vùng có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ đất liền.
Tỉnh này đã có phương án dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 230 nghìn lít xăng, dầu diezel và dầu hỏa. Riêng hai huyện miền núi A Lưới và Nam Đông đã dự trữ 30 tấn gạo, 10 tấn muối và một số hàng nhu yếu phẩm. Ngoài ra các địa phương cũng đã hướng dẫn người dân vùng sâu, vùng xa, vùng ngập lụt chủ động dự trữ hàng hóa, nhu yếu phấm tối thiểu 7 ngày.
Nhóm phóng viên