Thông tin trên được Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng chia sẻ bên hành lang kỳ họp sáng 26/5.
- Trong chuyến thăm của đoàn nghị sĩ Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ tại Việt Nam từ 27/5 tới, hai bên sẽ trao đổi những nội dụng gì?
- Nội dung dự kiến thảo luận lần này nhiều vấn đề, trong đó có tăng cường thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam - Mỹ. Thứ hai, họ muốn tìm hiểu thái độ, chủ trương của ta với vấn đề Biển Đông vừa rồi. Thứ ba là việc triển khai thực hiện Hiến pháp mới, đặc biệt là vấn đề nhân quyền 2013. Về vấn đề này, nhận thức và quan điểm của hai bên còn khác nhau, do đó cuộc trao đổi đối thoại này là cơ hội để hiểu nhau hơn, xử lý vấn đề nhân quyền phù hợp hơn.
- Nội dung Biển Đông sẽ được chúng ta đề cập như thế nào?
- Mỹ đã có phản ứng tích cực từ Chủ tịch Thượng viện tới các nhóm nghị sĩ. Trong cuộc làm việc sắp tới, Việt Nam vẫn giữ quan điểm là dùng nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền. Không ít người chưa thực sự hiểu rõ về vấn đề này nên chúng tôi sẽ cung cấp cho họ cơ sở pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền, để họ có cái nhìn khách quan, phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Chúng tôi cũng sẽ đề nghị các nước phải có tiếng nói phù hợp với luật pháp quốc tế.
- Trong nỗ lực xây dựng niềm tin và nâng tầm quan hệ giữa hai nước, năm 2006, Mỹ đã bỏ lệnh cấm bán trang thiết bị quân sự phi sát thương cho Việt Nam. Tuy nhiên, lệnh cấm bán vũ khí sát thương vẫn chưa được dỡ bỏ do quan điểm hai bên còn khác biệt về vấn đề nhân quyền. Việc này sẽ được bàn thảo ra sao?
- Việt Nam và Mỹ đã ký hiệp định về vấn đề hạt nhân dân sự. Còn nội dung bán vũ khí sát thương vẫn đang được bàn và lần này ta sẽ đề xuất bàn kỹ, bởi trong chương trình, đoàn nghị sĩ Mỹ có làm việc với Bộ Quốc phòng. Quan điểm của chúng tôi là nên tiếp tục nêu vấn đề này.
- Tuần tới, Việt Nam sẽ chính thức tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc, vậy chúng ta tham gia vào những hoạt động, mức độ nào?
- Chúng ta đã có quyết định cử hai sĩ quan liên lạc tham gia vào phái bộ gìn giữ hòa bình quốc tế ở Châu Phi. Hai sĩ quan này sẽ làm nhiệm vụ liên lạc giữa các tổ, đội của phái bộ Liên Hợp Quốc và chịu sự điều hành của phái bộ do Tổng thư ký cử.
Sau đó nếu tham gia với lực lượng lớn hơn thì phải có nghị quyết của Quốc hội. Tham gia ở quy mô nào nào phụ thuộc vào trình độ lực lượng của ta. Một khi đã tham gia, tất nhiên phải có kế hoạch, lộ trình đào tạo bồi dưỡng theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc để chứng tỏ rằng chúng ta tham gia là để đóng góp cho công cuộc gìn giữ hòa bình.
Mới tham gia vào lực lượng này nên việc học tập kinh nghiệm là mục tiêu chính.
- Quốc tế bày tỏ gì khi Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc?
- Hiện không có e ngại nào cả. Ngược lại, cộng đồng quốc tế rất hoan nghênh. Điều này cũng cho thấy vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao, có uy tín. Bạn bè quốc tế tin tưởng Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, đáp ứng các yêu cầu đề ra.
Chí Hiếu (ghi)