- UBND tỉnh Quảng Bình đang lấy ý kiến và cho nhà đầu tư khảo sát để xây dựng cáp treo vào Phong Nha - Kẻ Bàng. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
- Dự án đang ở giai đoạn khảo sát và chủ đầu tư hoàn toàn có quyền làm điều này mà không bị cấm đoán nếu không ảnh hưởng đến di sản. Họ đi khảo sát cũng giống như khách đi tham quan mà thôi. Dự án chưa hoàn thiện nên tôi chưa thể nói "có" hay "không". Nếu nói không thì là cảm tính chứ không có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, với 37 năm làm về bảo tồn di sản văn hóa, từng duyệt hàng trăm dự án liên quan đến lĩnh vực này, cá nhân tôi chắc chắn không bao giờ ủng hộ dự án nào nếu nó ảnh hưởng đến di sản văn hóa. Trường hợp dự án đó không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít nhất đến di sản thì sẽ phải cân nhắc.
Nhu cầu bảo tồn, bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa cũng có thể coi là nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương nên dự án mà UBND tỉnh đưa ra, chúng ta không nên vội cản trở mà cần xem kỹ rồi đưa ra lời khuyên, tư vấn mang tính tích cực. Dự án này phải đáp ứng trước hết yêu cầu của UNESCO với di sản thiên nhiên thế giới, đáp ứng nhu cầu quản lý bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa theo tinh thần của luật Di sản văn hóa.
- Nhiều người lo ngại dự án trên sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó có Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới với nhiều thành tạo hiếm có. Ông nghĩ sao về lo ngại này?
Ông Đặng Văn Bài. Ảnh: HT. |
- Chắc chắn khi thực hiện bất kỳ công trình nhân tạo nào trong tự nhiên cũng gây ra ảnh hưởng dù ít hay nhiều. Vấn đề là làm sao để phát triển kinh tế - xã hội mà ít ảnh hưởng đến di sản, môi trường nhất.
Tất nhiên với di sản thiên nhiên tầm cỡ thế giới thì việc bảo tồn được phải đặt lên trên, và không thể hy sinh bảo tồn cho phát triển được vì như thế đâu còn là di sản nữa. Nhưng nếu vì nhu cầu bảo tồn mà cấm không cho phát triển thì sẽ mâu thuẫn. Ngược lại nếu phát triển bừa bãi, cốt đặt mục tiêu lợi nhuận và phát triển kinh tế xã hội lên trên, không quan tâm đến bảo tồn thì cũng là mâu thuẫn. Vì vậy, chủ đầu tư nếu phát triển mà hạn chế tối đa ảnh hưởng tới di sản thì có thể chấp nhận trong chừng mực nào đó.
Việc xây dựng cáp treo, hay bất kỳ dự án nào trong di sản thiên nhiên thì các đòi hỏi về bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản văn hóa phải khắt khe hơn và đáp ứng được yêu cầu của những bên hữu quan.
- Dự án liên quan đến di sản như thế nào thì được cho là hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thưa ông?
- Đó là khi nó không làm ảnh hưởng mà còn góp phần bảo tồn; điều hòa được lợi ích cộng đồng, lợi ích đối tác tham gia và mang lại công ăn việc làm cho người dân. Tôi cho rằng, dự án nào thực hiện được điều này thì sẽ được hoan nghênh và cộng đồng chắc chắn sẽ ủng hộ.
Quá trình khảo sát điều tra xây dựng, chủ đầu tư phải có ý thức tôn trọng môi trường thiên nhiên. Nếu tôn trọng, họ sẽ đặt ra các giải pháp để cân bằng giữa việc bảo tồn và xây dựng mới, giữa bảo tồn và phát triển. Chủ đầu tư cần tạo ra sự hài hòa trong lợi ích của các đối tác can dự đến dự án và đặc biệt là lợi ích của cộng đồng đang sinh sống gắn bó với di sản.
Tiếp đó, khi xây dựng dự án hoàn chỉnh rồi, để được phép thi công thì chủ đầu tư phải nhận được ý kiến từ cơ quan chủ quản, cụ thể ở đây là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cùng sự tham gia của các bộ, ngành liên quan như trường hợp này là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng. Đặc biệt, dự án phải có sự đồng thuận của Trung tâm di sản văn hóa thế giới và Hội đồng di sản văn hóa quốc gia - đơn vị tư vấn của Thủ tướng và giúp Bộ Văn hóa làm thẩm định.
Sau khi trình, nếu dự án không đạt chuẩn thì sẽ không được xây dựng. Một nguyên tắc trong xây dựng dự án ở khu di sản là chủ đầu tư cần căn cứ vào Nghị định 70 do Thủ tướng ký về xây dựng quy hoạch các dự án bảo tồn di sản văn hóa.
- Sở hữu di sản thiên nhiên thế giới nhưng Quảng Bình vẫn là tỉnh nghèo, người dân chưa được hưởng lợi từ di sản này. Ông có thể chia sẻ một số giải pháp được UNESCO khuyến cáo để giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển kinh tế?
- UNESCO khuyến khích các quốc gia thành viên tham gia công ước bảo tồn di sản văn hóa thiên nhiên quốc tế phải thức tỉnh ý thức cộng đồng và trách nhiệm của quốc gia ấy, đồng thời thực hiện cam kết về việc bảo vệ sự toàn vẹn của di sản, bảo vệ được giá trị nổi bật, sự toàn cầu của di sản.
Một quốc gia thực hiện việc gì đó để phục vụ cho phát triển, UNESCO cũng không cản nếu như việc ấy không làm tổn hại đến sự toàn vẹn của di sản, không làm suy giảm giá trị nổi bật toàn cầu. Thậm chí hoạt động đó còn được khuyến khích nếu nó góp phần bảo vệ sự toàn vẹn ấy.
Tôi lấy ví dụ, trước khi được xếp hạng là di sản thiên nhiên thế giới thì trong vùng lõi của Cát Bà có cộng đồng dân tộc đang sống. Họ sống nhờ vào rừng như đánh bẫy, hái lượm khai thác nguồn lợi từ rừng lâu nay. Nhưng khu rừng giờ ở vị thế khác và cần được bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Điều này đồng nghĩa với việc cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, muốn phát triển du lịch thì phải tạo công ăn việc làm cho dân, để họ tham gia dự án có dịch vụ nhỏ và vừa để tồn tại cùng di sản. Vì vậy sự đồng thuận của cộng đồng người sống xung quanh di sản ấy cũng là yếu tố quyết định cho phép xây dựng công trình hay không.
Di sản văn hóa là của cộng đồng, do cộng đồng sáng tạo ra và cộng đồng bảo vệ nó, nhưng họ chỉ bảo vệ khi họ được hưởng thụ lợi ích về mặt tinh thần và vật chất. Thế nên bất kỳ dự án nào trong di sản phải tính đến lợi ích cộng đồng địa phương ấy.
- Cá nhân ông có băn khoăn gì về dự án này?
- Điều khiến tôi băn khoăn là nhà kinh tế thường đặt lợi nhuận lên hàng đầu chứ không phải lợi ích di sản. Bởi vậy tôi rất mong các nhà đầu tư hãy xây dựng dự án trên tinh thần tôn trọng sự toàn vẹn, tôn vinh giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Có như vậy họ mới tìm được những giải pháp tối ưu thích hợp về khoa học kỹ thuật, kinh tế để giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn và phát triển.
Nếu chủ đầu tư phát triển thái quá, thiếu kiểm soát gây những hậu quả nặng nề thì họ sẽ phải chấp nhận việc di sản bị loại ra khỏi di sản văn hóa thế giới. Trong trường hợp ấy hình ảnh quốc gia, uy tín thương hiệu quốc gia sẽ bị ảnh hưởng và suy giảm theo.
- Theo ông, Quảng Bình nên học tập mô hình cáp treo nào trên thế giới?
- Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đang làm công việc này khá tốt. Nhưng họ rất tôn trọng môi trường sinh thái, văn hóa, tính toàn vẹn giá trị di sản và đặc biệt họ đã tạo ra các công trình đạt giá trị thẩm mỹ, xanh, sạch đẹp.
Tại Việt Nam, tôi thấy mô hình cần học tập là ở Yên Tử (Quảng Ninh), công ty thực hiện cáp treo đang làm khá tốt khi họ hạn chế quy mô xây dựng đến mức tối đa, tức là diện tích xây dựng thấp nhất theo nghĩa là vừa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cáp treo, vừa ảnh hưởng ít nhất tới môi trường.
Tuy nhiên, Yên Tử làm được không có nghĩa là các nơi khác cũng làm. Yên Tử có thể kiểm soát tốt dòng người tham gia du lịch ở mức độ và rõ ràng họ đang ngày càng phát huy lợi thế nhờ cáp treo. Quan trọng là họ luôn ý thức bảo vệ môi trường và sử dụng số tiền thu được để đầu tư cho bảo tồn di sản.
Hương Thu thực hiện