Dự Đại hội tài năng trẻ lần 2, phó giáo sư trẻ nhất nước năm 2013 Lê Anh Vinh (Đại học Quốc gia Hà Nội) trăn trở làm cách nào để thu hút, trọng dụng nhân tài khoa học. Trong bài phát biểu, anh đưa ra những con số thống kê về nhân lực khoa học, công nghệ và đánh giá, xét về hiệu quả thì Việt Nam chưa có công trình, sản phẩm khoa học nào mang tính đột phá ở tầm khu vực.
Trong giai đoạn 2008-2012, số bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế của Việt Nam kém Thái Lan 4 lần, kém Singapore 7 lần, kém Nhật Bản 57 lần, kém Mỹ 256 lần. Trong 10 năm (2001-2010), số đơn đăng ký của người Việt là 1.665, chỉ có 257 bằng độc quyền sáng chế được cấp, kém 27 lần so với số văn bằng được cấp của người nước ngoài.
"Dựa vào vài con số, có thể thấy vai trò của các nhà khoa học, nhất là khoa học trẻ đối với nền khoa học công nghệ nước nhà chưa thực sự đậm nét", anh nhấn mạnh và đặt câu hỏi làm thế nào để thu hút, trọng dụng và phát huy tài nguyên trí tuệ của đội ngũ nhà khoa học trẻ Việt Nam?
Phó giáo sư Vinh cho rằng, trước hết nguyên nhân xuất phát "từ chính chúng tôi". Nhiều nhà khoa học trẻ trăn trở tìm hướng đi, nhưng việc thừa nhiệt huyết, thiếu kinh nghiệm khiến một số thể hiện bằng phản ứng tiêu cực, dành nhiều thời gian ca thán và so sánh về điều kiện môi trường làm việc. Môi trường làm việc mang nghĩa rộng bao gồm từ cơ sở vật chất, tài chính đến hoạt động học thuật và cộng đồng nghiên cứu.
"Chảy máu chất xám, có thể thấy lợi ích vật chất không phải là lý do cơ bản. Lý do chính mà nhiều nhà khoa học từ khắp nơi sang Mỹ làm việc vì ở đó có đồng nghiệp, những người có cùng mối quan tâm. Họ được bao bọc bởi môi trường làm việc học thuật, phát huy được tối đa khả năng sáng tạo, năng lực nghiên cứu. Nhiều du học sinh bày tỏ quan điểm mong muốn về nước làm việc, đóng góp nhưng lại lo lắng về môi trường làm việc không phù hợp", anh cho hay.
Theo anh Vinh, các nhà khoa học trẻ không thể yêu cầu trường đại học, viện nghiên cứu phải có cơ sở vật chất hoàn hảo, kinh phí, ngân sách dồi dào thì mới làm khoa học mà trước hết phải đóng góp tích cực tạo ra môi trường nghiên cứu phù hợp.
Về phía nhà nước, nếu đã thực sự coi các nhà khoa học trẻ là nguồn lực quan trọng thì cần có lộ trình cụ thể về chính sách và chế độ tương xứng với năng lực làm việc của nhà khoa học. Việc thu hút nhân tài trình độ cao gặp nhiều khó khăn bởi nguồn tài chính có hạn, trang thiết bị, môi trường học tập chưa năng động.
Hiện, Đại học Quốc gia Hà Nội nơi anh Vinh làm việc đã có mô hình CLB Nhà khoa học là nơi kết nối, tạo cơ hội tiếp cận chương trình nghiên cứu trọng điểm cho nhà khoa học trẻ tại đây. Trung ương Đoàn có thể xem xét xây dựng một cơ quan chuyên trách cấp trung ương, hỗ trợ thông tin, giúp định hướng cho nhà khoa học trẻ trên cả nước.
Theo phó giáo sư Vinh, nhà nước cũng cần dùng tài chính đúng mức, đúng trọng điểm cho khoa học công nghệ. Nghiên cứu hiện nay chủ yếu được tài trợ bởi Chính phủ, nghiên cứu tại trường đại học đang bị bỏ ngỏ. Các nước phát triển đều dành một phần ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường đại học. Mỹ dùng 16,8% chi tiêu chính phủ cho khoa học công nghệ thông qua hệ thống giáo dục. Ở Đức, con số là 17,1% và ở Anh là 22,6%. Trong khi đó, ở Việt Nam là 2%, nhưng nếu xét về giá trị tuyệt đối thì còn khá thấp. Tổng đầu tư toàn xã hội cho khoa học, công nghệ của Việt Nam ước tính chỉ đạt dưới 1% GDP, so với mức trung bình thế giới là 2,1%.
Việc đầu tư dàn trải dẫn đến sản phẩm khoa học bị trùng lặp, thiếu tính sáng tạo, giá trị kinh tế thấp. Để khắc phục thì cần nâng cao năng lực nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu trọng điểm và những lĩnh vực được ưu tiên.
Một điểm nữa, cần thay đổi cơ chế quản lý tài chính bất cập trong xét duyệt, nghiệm thu đề tài các cấp, một trong những rào cản của phát triển khoa học. "Các nhà khoa học vẫn thường cho rằng cơ quan quản lý không hiểu hay chưa tin nhà khoa học nên đưa ra những cơ chế không phù hợp với thực tiễn?", anh đặt câu hỏi.
Làm sao để thu hút nhân tài cũng là trăn trở của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân. Tiếp xúc với 67 gương mặt trí thức, đại diện cho tài năng khoa học trẻ Việt Nam, Bộ trưởng đã nêu ra ba câu hỏi vì sao, mong được giải đáp. Một là, vì sao người Việt có trí tuệ, học tập không thua kém các dân tộc khác nhưng đất nước lại không phát triển nhanh như kỳ vọng?
Hai là, vì sao những người giỏi, đặc biệt là những người giỏi và trẻ lại không tham gia nhiều vào hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong khi nhà nước rất cần người tài để xây dựng cơ chế chính sách? Và cuối cùng, vì sao nhiều người giỏi đi học ở nước ngoài lại không muốn về nước?
Tài năng trẻ là nguồn lực phát triển đất nước "Sự có mặt của mỗi tài năng trẻ là niềm tự hào của tất cả chúng ta, vì các bạn là nguồn lực, vốn quý, niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam", bà Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong phiên bế mạc Đại hội tài năng trẻ lần 2 sáng 13/12 tại Hà Nội. Theo bà Phóng, đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, vận hội mang đến thách thức lẫn thời cơ. Khoa học công nghệ, kinh tế tri thức phát triển nhanh chóng, công nghệ thông tin có những bước đột phá nhảy vọt. Việc phát hiện, quản lý, bồi dưỡng và sử dụng tài năng trẻ trở thành vấn đề chiến lược, đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. |
Hoàng Phương