Là tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ, từng có khu phi quân sự vĩ tuyến 17, Quảng Trị cũng là chiến trường ác liệt nhất suốt 20 năm từ 1954. Mảnh đất này đồng thời sản sinh nhiều phụ nữ gan dạ và một trong số đó là bà Hoàng Thị Chẩm (năm nay 65 tuổi), người 9 lần được phong dũng sĩ.

Bà Chẩm với 9 lần đạt danh hiệu dũng sĩ diệt địch. Ảnh: Hoàng Táo.
Sinh ra ở thôn Xuân Long, xã Trung Hải (Gio Linh, giáp sông Bến Hải về phía bờ Nam), cô bé Chẩm sớm ý thức được cuộc chiến giành đất giữ làng của cha mẹ và đồng bào. Gia đình Chẩm khi ấy cũng bị dồn vào khu tập trung, bố thì bị địch bắt. Không chịu khuất phục, Chẩm trốn về quê. “Trở về làng, tôi thấy còn một số bà con ở lại. Nhiều người thấy tôi còn nhỏ nên cho đi sơ tán nhưng tôi không chịu”, bà Chẩm kể.
Đến năm 1969, khi tròn 19 tuổi, bà Chẩm trở thành du kích tập trung xã Trung Hải. “Đội du kích tập trung có 14 người, gồm 2 nữ. Tôi được cử đi học bắn tỉa rồi về được giao nhiệm vụ vây ép địch ở căn cứ Dốc Miếu. Đội chia làm 2, thay nhau một tuần vào chiến đấu ở một ngọn đồi tại thôn Lễ Môn cách căn cứ địch hơn một km, tuần còn lại về hậu cứ ở Hiền Lương”, bà hồi tưởng.
Đêm canh gác, ngày đội du kích nấp trong hầm hàm ếch bắn tỉa vào căn cứ địch, không cho chúng ra ngoài. “Mỗi ngày chỉ được ăn cơm nóng vào buổi sáng. Hai buổi còn lại ăn cơm vắt, nằm hầm bắn địch. Gian khổ, vất vả không từ nào kể được”, bà Chẩm nhớ lại.
Cay cú vì bị vây ép, địch nhiều lần phản kích vào thôn Lễ Môn, đánh trả đơn vị của bà Chẩm. Có lần địch huy động 9 xe tăng đi càn, tiến đến vị trí bà Chẩm và đồng đội ẩn nấp. Sợ lộ vị trí ẩn nấp, bà Chẩm nhanh trí lao ra thu hút xe tăng địch vào bãi mìn chống tăng. Trúng kế, xe tăng vào bãi mìn nổ cháy ầm ầm.
Trong trận chiến giải phóng quê hương từ đêm 31/3 đến ngày 2/4/1972, bà Chẩm cùng nhiều đồng đội đánh tan căn cứ Dốc Miếu, là một trong những người đầu tiên cắm cờ ở căn cứ này. Đến ngày Quảng Trị được giải phóng, bà 9 lần được phong dũng sĩ diệt địch, trong đó 7 lần dũng sĩ bắn tỉa.
Là xã đội trưởng Trung Hải giai đoạn 1967-1975, cùng chiến đấu với bà Chẩm, ông Lê Văn Việt cho hay, bà là “nữ du kích tiêu biểu, gan dạ, dũng cảm”. Còn ông Trần Cảnh Thọ đánh giá người đồng đội xưa là "một nữ du kích tích cực, đầy dũng cảm".

Nghỉ hưu hơn 10 năm nay, bà Chẩm vẫn thăm khám khi có người trong thôn gọi điện nhờ. Ảnh: Hoàng Táo.
Chiến tranh đi qua, bà Chẩm giã từ cây súng để trở thành nữ hộ sinh mát tay. “40 năm làm hộ sinh, tôi đỡ đẻ không biết bao nhiêu ca. Có nhà tôi đỡ đẻ 3 thế hệ mẹ con rồi đến cháu, có nhà tất cả con cháu sinh ra đều qua bàn tay tôi cả”, bà Chẩm nói.
Hơn 10 năm trước, bà về hưu nhưng vẫn được người dân thôn Xuân Long tín nhiệm, giao làm nhiệm vụ y tế cơ sở. “Thôn hỗ trợ bà Chẩm chế độ 3 kg thóc/ngày để chăm sóc sức khỏe ban đầu, điều trị những bệnh thông thường, sơ cứu cho người dân. Ai đau ốm, bệnh tật trước đều gọi bà Chẩm, sau mới đi bệnh viện nếu bệnh nặng”, ông Bùi Ngọc Thịnh, trưởng thôn cho hay.
Đến nay, 6 đứa con của bà Chẩm, người học hành đỗ đạt, người lập gia đình.
“Chiến tranh ác liệt, làm sao biết mà tránh hòn tên mũi đạn. Tôi may mắn khi được hưởng hòa bình, còn nhiều đồng chí hy sinh nay vẫn nằm dọc rừng rú. Được sống để nhìn màu xanh của đất nước, quê hương là toại nguyện lắm rồi”, bà Chẩm chia sẻ.
Hoàng Táo