Bản làng của người Xê Đăng (xã Trà Linh, Nam Trà My, Quảng Nam) dù heo hút, biệt lập với cộng đồng, nhưng lại có rất nhiều đại gia sở hữu gia tài cả trăm tỷ đồng. Họ giàu lên từ trồng sâm Ngọc Linh. Một trong số đó là ông Hồ Văn Xuân (62 tuổi) ở làng Tắk Ngo, xã Trà Linh.
Ông Xuân kể, năm 1980 Ty y tế tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (sau tách thành tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng) thành lập vườn sâm nhà nước nhằm cứu cây sâm trước nguy cơ tuyệt chủng bởi sự khai thác của con người. Ông Xuân được tuyển vào làm việc.
Những năm đầu ông và ba người khác đi vào rừng lấy sâm về trồng, mỗi chuyến đi kéo dài cả tuần lễ. Củ sâm mang về chặt khúc, làm luống ươm trồng dưới tán rừng nguyên sinh có đất mùn dày 40 cm. Cách làm này tỷ lệ sống không cao, bởi mưa xuống, đỉnh núi mùa đông lạnh dưới 10 độ, khiến củ thối rữa.
Vừa trồng, vừa đúc rút kinh nghiệm và tìm hiểu nhiều cách nhân giống khác, như lấy cây con đem về, lấy hạt về gieo, cuối cùng vườn sâm hình thành. Từ khi ươm hạt đến lúc đưa ra vườn trồng khoảng 3 năm, cây bắt đầu cho quả. Cây sâm càng để lâu năm, quả cho càng nhiều.
Làm việc tại vườn sâm 5 năm, chàng trai Hồ Văn Xuân được nhà nước cho đi học và chuyển nghề “gõ đầu trẻ”. Ngoài thời gian lên lớp dạy chữ, thầy giáo Xuân bày cho người thân lên rừng tìm hạt giống, đưa cây sâm con về trồng. Đến nay, gia đình ông có cả nghìn gốc sâm trên đỉnh núi Ngọc Linh.
Một đại gia khác trên đỉnh Ngọc Linh là ông Hồ Văn Du, ở làng Măng Lùng, xã Trà Linh. Khi lúc 18 tuổi, ông Du được Ty y tế Quảng Nam - Đà Nẵng tuyển dụng để cùng với cán bộ đi khảo sát thành lập vườn sâm. Sau đó ông cùng các công nhân túc trực quanh năm suốt tháng ở vườn để chăm sóc, bảo vệ cây sâm trước sự xâm hại của thiên nhiên, thú rừng và con người.
Nắm bắt được kỹ thuật, ngoài thời gian làm việc tại vườn sâm nhà nước, ông cùng vợ con bắt đầu trồng sâm. Giống đều lấy từ tự nhiên, ông nhân giống và phát triển. Hiện gia đình sở hữu hơn 10 nghìn gốc sâm trên 10 năm tuổi.
Tính bình quân 3 gốc sâm nặng một lạng, giá bán 45 triệu đồng một kg, vườn sâm của gia đình ông Du trị giá hơn một trăm tỷ đồng. Vì thế người dân nơi đây gọi ông là “vua sâm” ở đỉnh núi, hoặc “linh hồn” phát triển sâm Ngọc Linh.
Nhân giống sâm Ngọc Linh. Video: Trương Huỳnh
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, bình quân một hécta sâm Ngọc Linh trồng 5 năm sẽ thu lời khoảng 40 tỷ đồng. Tính ra ở Việt Nam chẳng có cây trồng hợp pháp nào sánh bằng sâm Ngọc Linh. Hiện tại người dân xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang tập trung trồng sâm. Giá sâm tăng cao, diện tích trồng được mở rộng thì không bao lâu nữa huyện nghèo Nam Trà My sẽ xuất hiện nhiều đại gia.
“Trồng sâm đem lại lợi nhuận kinh tế và bảo vệ rừng nguyên sinh Ngọc Linh. Bởi bất di dịch muốn trồng sâm thì tán che phủ rừng trên 70%, biết được điều đó người dân không chặt phá mà ra sức bảo vệ rừng cây cổ thụ”, ông Bửu chia sẻ.
Miếng ăn khó nuốt
Khi biết được giá trị của cây sâm, đặc biệt là kỹ thuật trồng sâm của nhà nước phát triển, nhiều người dân bắt đầu học hỏi, mỗi gia đình chiếm giữ một khu vực ở núi Ngọc Linh và đưa sâm về trồng. Theo ông Hồ Văn Phiêu (51 tuổi, làng Tu Cring), vốn liếng đầu tư không mất gì, giống đều lấy từ tự nhiên, bà con chỉ mất thời gian chăm sóc bảo vệ, nhưng "nuốt được đồng tiền không phải dễ”.
"Người trồng sâm quanh năm bám trụ ở đỉnh núi mây mù bao phủ, ẩm ướt. Mùa đông đến nhiệt độ xuống khoảng 10 độ, ngày đêm đốt lửa chống chọi giá lạnh. Ở vườn sâm vắt, muỗi nhiều vô kể. Máu đổ ra vì sâm là chuyện bình thường”, già Phiêu chia sẻ.
Vì sâm thường sống ở độ cao từ 1.200 m trở lên, mỗi lần từ nhà đến vườn sâm, người trồng phải leo núi mất nửa ngày đường, các loại thức ăn chỉ cá khô và rau rừng. "Cả tháng trời chẳng có miếng thịt, cá tươi để ăn. Muốn có nguồn thực phẩm ấy tất cả đều ướp muối để dài ngày rồi ăn dần", anh Hồ Văn Lượng (làng Măng Lùng, xã Trà Linh) kể.
Ban ngày người trồng sâm phải kiểm tra vườn rộng cả mấy hécta để kịp xử lý nước mưa xói lở, cây đổ đè lên luống sâm. Đêm đến, họ phải tuần tra liên tục để đuổi chuột chuyên ăn sâm, rồi chồn bay phá hoại hay kẻ trộm đột nhập nhổ trộm.
Việc kiếm được vùng đất phù hợp cho cây sâm phát triển không hề đơn giản. Núi rừng rộng lớn, nhưng phải chọn trúng điểm thì nó mới cho củ. Từ năm 1993 đến 2005, anh Lượng đã di chuyển sâm đến nhiều vùng đất mới ưng ý nơi cắm chốt.
“Cây sâm nơi ngập nước bị thối củ, nơi khô quá phát triển chậm. Nó thích hợp nơi thoát nước nhanh khi mưa xuống, gần khe suối có hơi nước ẩm ướt”, anh Lượng nói và cho biết thêm gần đây mưa đá xuất hiện gây hư hại cho sâm. Để phòng chống, anh mua lưới làm giàn bảo vệ. Mang được tấm lưới lên vườn sâm, anh phải thuê người cõng mất vài triệu đồng.
Ngọc Linh là núi cao nhất miền Trung Việt Nam, nằm trên dải Trường Sơn, thuộc địa phận tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Từ xa xưa ngọn núi này đã tồn tại rất nhiều cây thuốc quý, nổi bật nhất là sâm Ngọc Linh. Loài sâm này hiện sinh sống ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và Tu Mơ Rông (Kon Tum). Nhiều nghiên cứu khoa học cấp nhà nước cho thấy dược tính của sâm Ngọc Linh vượt trội so với nhiều loại sâm nước ngoài. |
Đắc Thành