Trong ký ức của các cô gái lái xe Trường Sơn, Phùng Thị Viên luôn là trung đội trưởng bản lĩnh, "cứng" nhất đội khi một mình nhận một đầu xe. Có lần, đội trưởng Viên chở thương binh đang xuống dốc Yleng trên đường 12 thì bị máy bay Mỹ phát hiện đuổi theo. Xe trúng mảnh bom đứt phanh lao vùn vụt, có nguy cơ lọt vào chiếc cầu hẹp, có thể mất cả người lẫn xe.
Nữ đội trưởng đã bình tĩnh lái xe áp sát taluy, tắt máy, đổ nghiêng xe ngay đầu "cua" tay áo rồi rút súng bắn báo hiệu cấp cứu. Nghe ba phát súng, công binh và thanh niên xung phong vội chạy đến thì thấy anh em thương binh trên xe bình an, còn chiếc xe bị bẹp đầu. Sau chuyện này, đoạn cua đó được các tài xế đặt tên là "cua bà Viên".
Từng lái xe Trường Sơn, ông Cao Xuân Bình nhớ mãi lần ra binh trạm 12 nhận hàng, qua khỏi Cổng Trời là mưa giăng kín. Ông nghe tiếng xe Gaz 63 ì ạch lùi vào kho bốc hàng rồi tiếng hai người con gái trò chuyện, hỏi thăm mới biết đây là chuyến hàng quan trọng do đội trưởng Viên dẫn đầu cùng 3 cô gái của đội lái xe. Chiếc Gaz 63 không còn kính chắn gió khiến buồng lái chẳng khác gì ngoài trời, các nữ tài xế ướt lướt thướt nhưng vẫn nói cười vui vẻ.
Khi họ đang chuyển hàng từ chiếc Gaz 63 sang xe Zin 157 của lái xe Bình thì có tiếng máy bay phản lực, hai quả bom nổ ngay dưới ngầm cách kho vài trăm mét. Ai nấy tản ra chạy về hầm trú. Chị Viên bình tĩnh gọi các chiến sĩ kho ra chuyển hàng vì sợ máy bay Mỹ quay lại đánh vào bãi hàng thì nguy hiểm hơn. Hai chiếc xe chở hàng đặc biệt, binh trạm trưởng giao nhiệm vụ phải bằng mọi giá chuyển cho tiền phương để miền Nam có tiền mua thuốc men, lương thực. Vậy là bốn cô gái cùng lái xe Bình và các chiến sĩ kho tiếp tục chuyển hàng. Khi ông Bình vừa đánh xe khỏi bãi bốc hàng thì loạt bom bi bắn xuống đúng nơi xe vừa ra.
"Đàn ông chúng tôi lái xe giữa Trường Sơn thì một nhẽ, đằng này lại là chị em, kể sao cho hết những vất vả, hiểm nguy. Giữa một đống cánh lái xe nam cộc cằn xuất hiện một đội nữ lái xe như đóa hoa rừng, cảm giác nó vừa lạ, vừa thương, vừa vui thế nào ấy", ông Bình xúc động kể.
Bùi Thị Vân (đội mũ) và Nguyệt Ánh thường chạy chiếc Gaz 51 đưa bộ đội vào chiến trường. Ảnh tư liệu. |
Ở trung đội nữ lái xe Trường Sơn ngày ấy, bà Bùi Thị Vân, hiện trú tại Định Công (Hà Nội) được gọi là Vân "hoa lá" bởi lúc nào cũng cài lá và hoa rừng trong cabin. Cô hoa khôi của đội lái cùng với Nguyệt Ánh chạy chiếc Gaz 51 theo đoàn vận tải chở bộ đội từ Vinh vào đến Quảng Bình. Các cô thường cuốn gọn mái tóc dài rồi đội mũ mềm lên khiến nhiều anh bộ đội không nhận ra, cứ tưởng là lái xe nam.
Để tránh máy bay phát hiện, họ ngày nghỉ đêm đi, dò đường bằng ánh sáng hắt ra từ bóng đèn quả táo treo dưới gầm xe. Nhiều đoạn dựa vào ánh pháo sáng, đoàn xe lại lao nhanh hơn. Các cô thích nhất là chở hàng vào những đêm trăng sáng vì không phải thắp đèn. Con đường 12 dài hơn 50 km từ Khe Ve đến cửa khẩu Cha Lo với những đoạn cua xóc nảy người, vành lái nặng như gông. Vân nhỏ bé, xe thì lớn, cô phải kê chăn, lấy vỏ can xăng 20 lít kê ghế lái để có thể ôm khít vô lăng. Đi nhiều, Vân thuộc từng cung đường, dốc 5 thang, dốc đứng tim, cua tay áo nên luôn đạt chỉ số km an toàn cao nhất đội.
Chuyến đi nhớ nhất trong đời cầm lái của hoa khôi là lần chở thương binh về nơi tập kết. Khi xe đang đi qua ngầm thì gặp máy bay ném bom. "Các anh ấy vỗ vào thùng xe ầm ầm, kêu chúng tôi chạy trước, còn các anh bị thương rồi thì hy sinh cũng được. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ họ đã mất một phần máu xương nơi chiến trường rồi, mình không đảm bảo được an toàn cho cả người và xe thì có tội nên bẻ lái, tăng ga chạy khỏi trận pháo kích trên đầu. May sao công binh trực ở ngầm giúp cõng thương binh vào nơi trú ẩn, ngớt bom rồi thì lại chạy tiếp", bà kể.
Nhiều xe của lái nam đi rồi không trở về mà xe của đội nữ không bị làm sao nên các anh vẫn đùa rằng chị em cao số. Bà Vân tâm sự, sống giữa thời chiến sống chết không báo trước. Những hiểm nguy mình gặp chưa thấm gì so với lần chị Như Xuân bị bom vùi xuống hố cùng xe hàng, thoát chết sau khi được công binh đào bới, xe kích kéo lên. Hay lần chị Đan cho xe đi qua cây cầu cáp dài 70 m, dưới là những sợi cáp, trên mặt là những tấm ván ghép chỉ rộng vừa làn xe đi, căn đường không tốt thì rơi xuống sông sâu, phía xa là pháo sáng thả đầy trời. Mãi đến khi xe xóc nảy vì ổ gà, tài xế mới biết mình đã qua cầu và vẫn còn sống.
"Nếu nói không sợ thì cũng không phải, bởi trên xe mình còn bao nhiêu sinh mệnh đồng đội, hàng hóa, chỉ sợ xe qua ngầm, qua phà bị cuốn trôi, gặp bom, pháo kích. Khi xe qua những bãi bom từ trường, bom nổ chậm, chúng tôi cứ nín thở mà đi. Một là hy sinh, hai là thắng lợi trở về", bà Vũ Thị Kim Dung, tiểu đội trưởng tiểu đội 2 (hiện sống ở Long Biên, Hà Nội) chia sẻ.
Bà Kim Dung từng mẻ mất hai chiếc răng vì sửa xe. Ảnh: H.P. |
Những thiếu nữ tuổi đôi mươi khi ấy không sợ đạn bom, thế mà vẫn sợ ma, sợ tiếng lợn rừng khụt khịt, tiếng hú trong đêm tối giữa rừng Trường Sơn. Có lần, xe bà Dung chạy chốt đoàn vận tải đưa hàng hóa vào trong, đang đi thì bóng đèn quả táo bị hỏng nên không nhìn thấy đường, bị đoàn xe phía trước bỏ xa. Bà cùng tài xế Vân đành dừng lại chờ trăng lên để chạy tiếp. Rừng già âm u, chỉ nghe tiếng hú ở phía xa, mấy con lợn rừng đi qua đi lại. Trong cabin ngột ngạt, nóng như rang, nhưng hai cô gái không dám mở cửa xe để ra ngoài.
"Cả hai nín thở khi nghe tiếng hú dài, thế rồi Vân sợ quá, bật khóc thút thít. Tôi quát ầm lên rằng bom đạn không sợ mà lại đi sợ ma rồi dọa mở cửa xe. Lúc ấy trấn an tinh thần đồng đội thế thôi chứ trong lòng mình cũng sợ run lên được. Một lúc sau thì có đoàn xe của các anh nam đi qua, chúng tôi nhờ họ sửa giúp bóng đèn và cả đoàn lại tiếp tục lên đường", bà Dung cười khi nhớ lại kỷ niệm xưa. Nụ cười không tròn vì hai chiếc răng bị mẻ, "di tích" của một lần tự sửa xe.
Khi đó, phanh tay của xe cô Minh bị hỏng. Vậy là Dung chui ngay vào gầm để chỉnh phanh, bị cờ lê va vào miệng mẻ mất hai chiếc răng cửa. Cô chui ra, xấu hổ bịt miệng mếu máo bảo gẫy mất răng rồi. Hôm sau lên tiểu đoàn còn bị các anh trêu "Gẫy thì gẫy, trông mày chưa xấu, vẫn còn xinh chán". Mãi sau này chuyển về hậu cứ, bà Dung mới có điều kiện làm lại cái góc con người ấy.
Trong trung đội có thợ kỹ thuật cũng là con gái, nhưng đi giữa đường nếu xe hỏng hóc nhẹ, họ đều tự sửa. Xe chết máy, họ dùng tay quay nặng trịch nổ máy cho xe khởi động lại. Các cô thì thấp, phải với tay, kiễng chân, quay nhiều quá khiến bàn tay con gái chai sần. Xe chạy qua ổ gà, ổ trâu, qua ngầm, qua phà nhiều bị gẫy nhíp liên tục, họ kích bổng xe lên rồi tự chui vào gầm thay nhíp. Hai, ba cô gái hò nhau tung chiếc lốp nặng trịch lên cao để tăm-bua rơi ra ngoài rồi tự làm lốp. Ở giữa rừng, các cô toàn dùng miệng hút xăng trút từ những thùng to 200 lít sang can nhỏ. Mỗi lần chui vào gầm xe, mái tóc đen tết thành hai dải, buông ở hai bờ vai dính đầy dầu mỡ. Họ gọi đó là thứ dầu gội chỉ con gái lái xe Trường Sơn mới có.
Thân nhất với trung đội gái lái xe Trường Sơn là các cô thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc. Mỗi lần trông thấy xe nữ đi qua, các cô lại chạy ra, cười vẫy tay với cả đoàn lái rồi gọi với theo "Các o ơi, ra ngoài đó nhớ mua quà cho chúng em". Vậy là từ buồng lái lại tung ra nào xà phòng, kẹp tóc, quả rừng...
"Đi đường thì đất bụi cuộn lên mù mịt, lúc chúng tôi xuống xe thì lông mày, lông mi, hai hốc mũi bám đầy bụi, mắt đỏ hoe. Mới đôi mươi mà da đứa nào cũng đen sạm, thô ráp, chưa kể đến những nốt sần do muỗi rừng chích, vắt bám", bà Dung cười, đôi mắt hấp háy khi kể chuyện xưa.
Hơn 40 năm trôi qua, những cô gái Vân "hoa lá", Thanh, Kim Dung, Phàn... trẻ trung đều đã là mẹ, là bà, tóc bạc da mồi. Mỗi lần gặp mặt, họ vẫn xưng mày - tao, cười nói, vỗ vai nhau như hồi còn trẻ. Nhớ lại những năm tháng ấy, bà Dung chia sẻ: "Nhiều người trong chúng tôi khi ấy đã xác định không lấy chồng, chỉ mong góp sức mình cho đất nước nhanh thống nhất, để sớm được trở về phụng dưỡng mẹ cha".
Hoàng Phương