Bản tổng kết nghiên cứu về phương hướng cải cách đại học ở Việt Nam của nhóm Đối thoại giáo dục bên cạnh đề xuất giao quyền làm chủ trường đại học về cho các địa phương còn khuyến nghị phải cải cách tài chính trong giáo dục đại học Việt Nam.
Nhóm cho rằng, tài chính của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang đối mặt với ba vấn đề lớn là thiếu kinh phí, bất bình đẳng và thiếu tự chủ. Cụ thể, mức đầu tư của nhà nước cho các trường công còn rất thấp. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2010, đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam chiếm 14% đầu tư của ngân sách nhà nước cho giáo dục. So với GDP thì tỷ lệ đầu tư công cho giáo dục đại học là 0,9% trong khi mức trung bình đầu tư công cho giáo dục ĐH của các nước OECD là là 1% GDP (cộng với 0,5% từ khu vực tư nhân thành 1,5%), ở châu Âu trung bình là 1,1% GDP (cộng với 0,2% từ khu vực tư nhân).
Mức học phí cho các trường công ở Việt Nam cũng rất thấp. Các nguồn thu khác như nguồn thu từ dịch vụ, từ viện trợ, tài trợ, hiến tặng cũng quá thấp, trung bình chỉ khoảng 3% tổng nguồn thu hiện nay của các đại học Việt Nam.
Chủ trương của Việt Nam hiện nay là giữ học phí thấp để người nghèo có thể tiếp cận. Tuy nhiên, nhóm đối thoại giáo dục cho rằng cách tiếp cận này là sai lầm và nó có thể dẫn đến bất bình đẳng hơn vì học phí thấp làm cho các trường không có đủ nguồn thu để cấp học bổng cho sinh viên nghèo. Học phí thấp dẫn đến đa số nguồn lực của trường phải dựa vào ngân sách nhà nước. Vì vậy, chỉ sinh viên từ gia đình khá giả mới đi học đại học được, và chi phí đào tạo các sinh viên này lại được nhà nước bao cấp là chủ yếu.
Giải pháp cho vấn đề này là chương trình học bổng và tín dụng cho sinh viên nghèo nhưng hiện học bổng cho sinh viên nghèo ở nước ta đã có nhưng không đáng kể, mức cho vay thấp, chỉ đủ chi trả một phần chi phí sinh hoạt, học phí của sinh viên. Cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình về mặt tài chính của các trường lại còn nhiều bất cập. Ngay những trường được thí điểm có tự chủ về phần “thu” như Đại học Ngoại thương, Đại học Hà Nội vẫn bị hạn chế rất nhiều về phần “chi”. Nhiều trường còn nhiều thói quen ỷ lại, chờ bao cấp từ phía nhà nước.
"Vì vậy, cần cải cách tài chính cho hệ thống các trường đại học Việt Nam", nhóm đối thoại đề xuất. Theo đó, ba lĩnh vực ưu tiên cải cách gồm: Tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống đại học, bao gồm cả tài trợ từ ngân sách lẫn đóng góp, giao tự chủ tài chính cho các đại học và thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường. Tăng tự chủ không có nghĩa là Nhà nước giảm hỗ trợ cho giáo dục đại học mà cần ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này, nhất là ưu tiên đầu tư về nghiên cứu khoa học, vì đây là đối tượng đầu tư quan trọng trong sự phát triển lâu dài của Việt Nam.
Những nhà khoa học có tâm huyết với giáo dục cho rằng, Chính phủ cần can thiệp để giảm thiểu các khiếm khuyết chính của thị trường như bất công bằng trong giáo dục (chỉ người giàu mới đủ tiền đi học), thiếu thông tin về chất lượng của các trường để người đi học lựa chọn đúng đắn, hoặc các trường chỉ tập trung đào tạo theo nhu cầu của thị trường, và xem nhẹ những ngành có lợi ích lâu dài cho xã hội.
Nhóm đề xuất một mô hình dài hạn hơn, đó là các trường được toàn quyền quyết định các vấn đề như số lượng tuyển sinh, mức học phí, chương trình và chất lượng đào tạo. Chi tiêu từ lương đến các khoản chi và đầu tư khác căn cứ trên mức chấp nhận của thị trường; tiền hỗ trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, cần có cơ chế giám sát nội bộ và từ bên ngoài để chống các lạm dụng quyền tự chủ này, cung cấp thông tin cho người dân lựa chọn trường và quy định từng trường phải trích một phần nhất định từ doanh thu làm học bổng cho học sinh nghèo và giỏi.
Phương thức nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho từng trường thông qua học bổng và tín dụng sinh viên, hỗ trợ thông qua tài trợ nghiên cứu khoa học cũng là đề xuất của nhóm Đối thoại. Để tránh những thay đổi quá đột ngột, trong thời gian đầu, Chính phủ có thể vẫn khống chế mức học phí trần (ví dụ mỗi năm học phí được tăng tối đa 25%), đồng thời cho phép mức trần này tăng dần theo từng năm. Để điều tiết linh hoạt và phù hợp với tình hình kinh tế, mức trần ngắn hạn có thể gắn với GDP đầu người.
"Nhà nước cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp cho các trường sang hỗ trợ học bổng, tín dụng sinh viên và tài trợ nghiên cứu khoa học. Lộ trình tăng học phí nhất thiết phải được song hành với yêu cầu tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của các trường đại học", Nhóm Đối thoại nêu quan điểm.
Để nâng cao chất lượng giáo dục bậc học quan trọng nhất, tạo ra nguồn nhân lực cho thị trường, các nhà khoa học đề xuất phải Kiểm định chất lượng (quality accreditation), công khai thông tin chất lượng (quality information disclosure), xếp hạng (ranking) và đối sánh.
Nhóm Đối thoại giáo dục tập hợp một số nhà khoa học có chuyên môn ở những lĩnh vực khác nhau có tâm huyết với nền giáo dục Việt Nam. Nhóm gồm 12 thành viên: Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Mỹ), Đỗ Quốc Anh (Học viện Nghiên cứu Chính trị SciencesPo, Paris, Pháp), Vũ Thành Tự Anh (Đại học Princeton, Mỹ và Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Việt Nam), Ngô Bảo Châu (Đại học Chicago, Mỹ và Viện nghiên cứu cao cấp về toán, Việt Nam), Lê Hồng Giang (Sydney), Phạm Hiệp (Đại học Văn Hoá Trung Hoa, Đài Loan), Ngô Quang Hưng (Đại học bang New York ở Buffalo, Mỹ), Phạm Ngọc Thắng (Hà Nội), Phạm Hữu Tiệp (Đại học Arizona, Mỹ), Trịnh Hữu Tuệ (Đại học Wisconsin tại Milwaukee, Mỹ), Vũ Hà Văn (Đại học Yale, Mỹ) và Nguyễn Phương Văn (TP HCM). |
Hoàng Thùy