Chiều 6/12, hàng chục công an Thị xã Dĩ An, Bình Dương và phường Tân Đông Hiệp đã có mặt tại Công ty TNHH Trường Ngân để vãn hồi trật tự khi các ngân hàng tiếp tục tranh nhau quyền định đoạt kho cà phê khoảng 600 tấn (sát kho được cho là có 3.360 tấn bị cưỡng chế 3 ngày trước) mà doanh nghiệp này đã cầm cố.
Các nhân chứng cho hay, khoảng 15h30, sau khi bảo vệ của Ngân hàng Techcombank khóa thêm một ổ khóa vào cửa nhà kho mà Công ty Trường Ngân đã khoá trước đó, người của một ngân hàng khác được cho là đã yêu cầu phá bỏ ổ khóa của Techcombank.
“Việc này đã dẫn đến căng thẳng giữa lực lượng bảo vệ các ngân hàng. Tuy nhiên không ai bị thương tích nặng”, một nhân chứng nói và cho biết mọi việc chỉ yên ắng khi lực lượng công an có mặt.
Sau đó phía ngân hàng Techcombank tiếp tục điều động xe tải để chắn ngay cửa nhà kho đang chứa 600 tấn cà phê. Ngoài ngân hàng vừa yêu cầu phá khóa, việc làm này đã nhận được sự đồng thuận của một số ngân hàng có quyền lợi liên quan.
Giải thích với cơ quan chức năng, đại diện Techcombank cho rằng họ đưa xe đến án ngữ trước cửa nhà kho là nhằm để bảo vệ tài sản, quyền lợi cho ngân hàng cũng như cho tất cả các ngân hàng đang xảy ra tranh chấp đối với 600 tấn cà phê lưu trong kho.
Còn đại diện quản lý nợ của Ngân hàng Hàng hải (Maritime bank) cho hay, trước thông tin sẽ có người đến tranh giành 600 tấn cà phê nên ngân hàng này cùng các ngân hàng khác có mặt để bảo vệ số tài sản đang tranh chấp. Đến chiều tối, các ngân hàng đã tăng cường thêm lực lượng bảo vệ giám sát tại kho vì sợ thất thoát khối lượng tài sản đang xảy ra tranh chấp.
Có mặt tại hiện trường, ông Trương Công Hân, Phó Chi Cục thi hành án thị xã Dĩ An cho biết, vụ việc diễn ra ở kho bên cạnh, không gây ảnh hưởng đến việc cưỡng chế "kho cà phê 3.360 tấn" cũng của Trường Ngân của lượng lượng này. Khi những người của các ngân hàng cãi vã, xô xát, nhận thấy vụ việc có khả năng xảy ra diễn biến phức tạp nên lực lượng địa phương đã báo Công an thị xã Dĩ An tăng viện đến để bảo đảm an ninh trật tự.
Liên quan đến việc cưỡng chế "kho cà phê 3.360 tấn" mà Công ty Trường Ngân được cho là đồng loạt cầm cố vay hơn 600 tỷ đồng ở 7 ngân hàng, nhưng được TAND quận 4, TP HCM quyết định giao cho ngân hàng Phương Đông (OCB), ông Hân cho biết, tính đến ngày 6/12 đã vận chuyển được khoảng 679 tấn.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra chất lượng, cơ quan chức năng phát hiện có đến 261 tấn là vỏ cà phê và tạp chất. Các công nhân tham gia bốc xếp đã thấy tro trấu, sỏi, đất bị rơi vương vãi từ các "bao cà phê" nên họ báo cho cơ quan thi hành án kiểm tra. Hiện lực lượng này nghi vấn rằng trong kho sẽ còn rất nhiều những bao tải tạp chất đội lốt cà phê như thế này.
Chiều tối 6/12, Chi cục thi hành án thị xã Dĩ An đã tiến hành niêm phong cửa kho và có thể việc cưỡng chế sẽ được tiến hành vào thứ hai tuần sau.
Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, trước tính chất phức tạp của vụ tranh chấp trên, đơn vị này đã báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước chờ ý kiến chỉ đạo.
Theo vị này, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước từng có văn bản gửi các ngân hàng có liên quan yêu cầu tổ chức cuộc họp chung để cùng nhau bàn hướng giải quyết, tránh xảy ra xô xát và hệ lụy ngoài ý muốn.
Ngày 23/8, Thanh tra Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP HCM cũng đã tổ chức buổi làm việc giữa các ngân hàng liên quan tại kho hàng của Công ty Trường Ngân để ghi nhận về tình trạng hàng hóa bị tranh chấp. Các bên thống nhất thu xếp một buổi làm việc tại kho Trường Ngân để ghi nhận lại hiện trạng, vị trí toàn bộ kho hàng, ghi nhận các lô hàng trùng lắp. Việc phân chia sau đó các ngân hàng sẽ tiếp tục đàm phán sau hoặc theo quyết định của tòa án.
Cũng theo vị lãnh đạo này, Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý về mặt nghiệp vụ, còn quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp cho vay phải xử lý theo luật. Theo đó, ngân hàng phải khởi kiện doanh nghiệp ra tòa, sau đó nếu doanh nghiệp còn tài sản thế chấp thì thực hiện phát mãi nhằm thu nợ. Trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo thì phải chuyển hồ sơ qua cơquan điều tra.
Nguyệt Triều - Lệ Chi