Ông Tạ Tấn Vũ (người gốc Phúc Kiến, Trung Quốc), một trong số hơn 1.200 người gốc Hoa đang sống giữa cộng đồng người dân phố cổ Hội An (Quảng Nam), nói rằng mảnh đất này là quê hương thứ 2. Những ngày qua, khi dư luận bàn tán chuyện nhiều hướng dẫn viên Trung Quốc sang Việt Nam làm du lịch chui và xuyên tạc lịch sử, ông Vũ không vui.
Ngồi trong Hội quán Phúc Kiến trên đường Trần Phú (phường Minh An, TP Hội An), ông Vũ kể mình là đời thứ 5 của dòng họ Tạ sang Hội An sinh sống. Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác ở Hội An quyết ở lại vì đã quá gắn bó, yên mến mảnh đất này.
Ông Vũ là quản lý Hội quán Phúc Kiến. Theo ông, nhiều kiến trúc ở Hội An giống Trung Quốc là vì người Hoa sang đây định cư và xây dựng nhà cửa, hội quán. Tương tự như vậy Cố đô Huế của Việt Nam chịu ảnh hưởng từ kiến trúc Trung Quốc là điều bình thường. Vậy mà một số hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc lại mượn chuyện kiến trúc để minh họa cho những lời lẽ xuyên tạc lịch sử và văn hóa Việt Nam. Nhắc đến chuyện không hay này, ông Vũ phản ứng: "Ai đó nói lãnh thổ và vùng biển của Việt Nam thuộc Trung Quốc là không thực tế".
Cho hay chưa bắt gặp trường hợp hướng dẫn viên Trung Quốc dẫn khách vào Hội quán Phúc Kiến xuyên tạc lịch sử Việt Nam, ông Vũ khẳng định nếu phát hiện người Trung Quốc đến Hội An du lịch mà xuyên tạc lịch sử, ông sẽ "đứng ra kêu gọi họ nói đúng sự thật".
Theo ông Vũ, trong các đoàn khách du lịch Trung Quốc vào Hội quán Phúc Kiến, nhiều người đã gây ồn ào vì đi theo đoàn quá đông. "Họ đi đông thì phải ồn, ngay khách Tây cũng vậy. Nhưng tôi đã nhắc nhở họ", ông nói.
Ông Hứa Toàn (62 tuổi, người gốc Triều Châu, Trung Quốc), sinh ra và lớn lên ở Hội An, nói rằng ông chưa từng nghe câu chuyện nào về việc dân phố cổ kỳ thị với người gốc Hoa.
Ông Toàn kể câu chuyện trước đây ông không hề nghe chuyện biển Đà Nẵng bị gọi là "biển Trung Quốc". Nhưng từ những năm 90, khi Việt Nam mở cửa du lịch, lượng khách đến ngày một đông, ông ra Đà Nẵng du lịch và nghe hướng dẫn viên giới thiệu vùng biển này là "China Beach". "Việc xuất hiện những lời giới thiệu không đúng như thế là điều không hay", ông Toàn nói.
"Hướng dẫn viên người Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam là thiểu số thôi, đó là những hướng dẫn viên chui. Nhà nước Việt Nam phải quản lý chặt hơn thì những hướng dẫn viên chui mới không nói bậy được", ông Toàn nhận xét và cho rằng các hướng dẫn viên người Việt cũng phải phối hợp với cơ quan quản lý du lịch để chấn chỉnh kịp thời. Nếu nghe được những lời xuyên tạc lịch sử, văn hoá thì phải đứng lên cải chính ngay, đó là trách nhiệm chung.
Nhận xét về chuyện một người Trung Quốc đốt tiền Việt trong quán bar hay một nhóm khách Trung Quốc cư xử thiếu văn hoá với người bán chuối, ông Hứa Toàn nói: "Tôi rất bức xúc và khó chịu. Nếu gặp tình huống đó thì dứt khoát sẽ có cách xử lý, chứ không thể bàng quan cho rằng không phải việc của mình mà bỏ đi". "Tôi tin đây chỉ là thiểu số", ông giải thích thêm.
Trả lời câu hỏi nếu gặp hướng dẫn viên Trung Quốc xuyên tạc lịch sử và văn hóa Việt Nam ông sẽ làm gì, ông Toàn khảng khái: "Tôi sẽ lập tức cải chính. Và tôi sẽ nói với họ rằng, tôi là người gốc Hoa lớn lên ở Việt Nam, hoàn toàn không có chuyện như họ đang nói hay đang nghe. Đồng thời, ngành du lịch Việt Nam cũng nên tổ chức giới thiệu với du khách những câu chuyện lịch sử, văn hóa Việt Nam một cách chính xác, sinh động nhất".
Người đàn ông mái tóc đã ngả mầu hoa râm cũng cho rằng nên cảnh giác với những người nói không đúng sự thật. "Đừng coi thường. Từ cái nhỏ có thể biến thành cái lớn, vì thời đại thông tin bây giờ mọi chuyện lan truyền rất nhanh".
Nguyễn Đông