Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngày 15/7, Hội đồng sẽ họp để xem xét, biểu quyết về tư cách đại biểu Quốc hội của 496 người trúng cử trong kỳ bầu cử vừa qua, trong đó có trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
“Hình thức biểu quyết là bỏ phiếu kín hoặc giơ tay, việc này do Hội đồng bầu cử quyết định”, ông Phúc nói.
Về quy trình xem xét tư cách đại biểu Quốc hội, ông Phúc cho biết trong 5 ngày kể từ khi công bố danh sách người trúng cử (ngày 9/6), Hội đồng bầu cử quốc gia tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo và sau đó dành 30 ngày để xem xét giải quyết, trả lời. Hôm nay 13/7 là ngày cuối cùng để các cơ quan chức năng trả lời đơn thư, đồng thời đề xuất việc xác nhận tư cách đại biểu với những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Ngày 15/7, Hội đồng bầu cử quốc gia họp xem xét cấp giấy xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội cho từng người trúng cử.
Trước đó chiều 11/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo kỳ họp thứ 4 và 5. Thông báo nêu, qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Theo Ủy ban kiểm tra Trung ương, ông Trịnh Xuân Thanh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo kết luận 146 của Bộ Chính trị khóa XI. Nhưng, ông Trịnh Xuân Thanh vẫn đề nghị, để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu.
Trong khi đó, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội là phải có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, “riêng việc ông Trịnh Xuân Thanh dùng biển số xe công gắn vào xe ôtô tư nhân để sử dụng đã là không trung thực rồi”.
Ông Trịnh Xuân Thanh từng làm Tổng giám đốc rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Năm 2013, rời ngành dầu khí, ông Thanh được bổ nhiệm nhiều chức vụ ở Bộ Công Thương trước khi giữ cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vào năm 2015.
Đầu tháng 6/2016, nhiều báo chí thông tin về xe tư nhân Lexus trị giá trên 5 tỷ do ông Trịnh Xuân Thanh sử dụng gắn biển công vụ. Ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn truyền đạt ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giao 9 cơ quan kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung bài báo liên quan đến Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh.
Có 3 vấn đề được báo chí đề cập: Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh được đưa đón bằng chiếc Lexus LX570 là xe tư, nhưng gắn biển xanh; tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng công ty PVC, nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2007 đến năm 2013 và dù lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng ông Thanh vẫn được bổ nhiệm Phó chủ tịch tỉnh.
Theo kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 được Hội đồng bầu cử quốc gia công bố, ông Trịnh Xuân Thanh được 198.392 phiếu, đạt tỷ lệ 75,28% số phiếu hợp lệ. Ông Thanh trở thành người trúng cử và dẫn đầu số phiếu được bầu chọn tại địa phương.
Võ Văn Thành