Là địa phương đầu tiên có khả năng hứng bão, sáng 9/11, Quảng Ngãi đã sơ tán hơn 22.000 hộ dân với khoảng 87.000 người ở các vùng trũng ven sông, nhà cấp 4 ở ven biển, hải đảo, vùng nguy cơ sạt lở núi, lũ quét đến vùng cao an toàn. Trưa nay, bầu trời ở tỉnh này mù mịt màu xám tro, gió mạnh dần lên. Theo dự báo, rạng sáng 10/11, huyện đảo Lý Sơn là nơi hứng bão đầu tiên.
Tại Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến đã quyết định sơ tán gần 20.000 hộ với hơn 73.000 người đi trú tránh bão trước 19h ngày 9/11. Bên cạnh việc khuyến cáo người dân không ra đường khi bão đổ bộ, thành phố cũng cấm tàu, thuyền ra khơi.
Các cơ sở phục vụ du lịch ven biển được yêu cầu có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Các công trình xây dựng phải lập tức hạ cẩu hoặc sơ tán người dân sống xung quanh. Điện lực lên phương án cắt điện từng khu vực để đảm bảo an toàn cho người dân. Sở Giáo dục căn cứ vào diễn biến của bão để cho học sinh nghỉ học.
Từ sáng sớm 9/11, nhiều người dân đổ về siêu thị, các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa ở Đà Nẵng để mua sắm, dự trữ nhu yếu phẩm trước khi bão vào. Đồ ăn liền như mì tôm, bánh mì, nước lọc đóng chai… được mua nhiều.
Sau lệnh cấm họp chợ vào 14h cùng ngày, tiểu thương ở nhiều chợ, các siêu thị Metro, BigC… bắt đầu đóng cửa.
Quân khu 5 thành lập Sở chỉ huy tại Đà Nẵng và hai sở chỉ huy cơ động tại Sư đoàn 315 (huyện Núi Thành, Quảng Nam) và tại Bình Định. Thuốc, lương thực thực phẩm... được chuẩn bị đầy đủ để sẵn sàng xử lý tình huống.
Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5, cho biết từ 12h trưa 8/11, tất cả cơ quan, đơn vị đã dừng huấn luyện để chuẩn bị phương tiện xe máy, tàu thuyền, bệnh viện, trạm xá… sẵn sàng di dời và ứng cứu người dân tránh trú bão an toàn.
* Ảnh: Người dân chằng nhà cửa, neo tàu thuyền tránh bão |
Tại Quảng Nam, chiều 8/11 hàng trăm người dân đã dùng bao cát kè tạm tuyến đê Cửa Đại đang thi công để tránh sóng đánh lở. Nhiều người xúc cát vào từng bao tải mang về chằng chéo lại nhà cửa.
Bộ đội biên phòng tỉnh đã huy động toàn bộ lực lượng cùng 4 ôtô, 6 ca nô ứng trực làm nhiệm vụ. Tại các khu vực trọng yếu như Cửa Đại, Cù Lao Chàm (TP Hội An), cửa biển An Hòa (huyện Núi Thành), có 4 tàu chuyên dụng được điều động tới.
Sáng nay, trung tâm thành phố Hà Tĩnh và các huyện ven biển như Lộc Hà, Kỳ Anh… tiết trời nắng nhẹ, không gió, phần lớn người dân bình thản làm những công việc thường nhật ngoài đồng. Tại cảng Cửa Sót (huyện Lộc Hà) hàng trăm tàu thuyền đã neo đậu an toàn, nhiều ngư dân gia cố chằng buộc, thu dọn đồ đạc trên những chiếc thuyền đánh cá.
Ông Trần Minh Kỳ, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã có lệnh hỏa tốc đến 6 huyện, thành phố ven biển gồm Lộc Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên. Thành phố Hà Tĩnh sẽ di dời hơn 14.000 hộ tương ứng với 50.000 người dân khỏi vùng nguy hiểm.
Tại các địa phương, Kỳ Anh là huyện có lượng dân di dời nhiều nhất với gần 4.500 hộ, Lộc Hà 3.600 hộ, Nghi Xuân hơn 2.000 hộ… Việc sơ tán phải tiến hành xong trước 17 giờ cùng ngày.
Trung tâm phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên cho biết, các địa phương từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận đã thông báo và hướng dẫn cho gần 39.000 tàu cá với gần 167.000 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động vào bờ tránh bão.
Riêng Quảng Nam còn 23 tàu cá với 73 lao động đang hoạt động trên biển. 4 tàu đã vào neo đậu tại âu thuyền đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa), 1 tàu cá đang di chuyển vào neo đậu tại đảo Đá Bắc (quần đảo Hoàng Sa).
Dự báo lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên đã đạt đỉnh và đang xuống; riêng sông Thạch Hãn (Quảng Trị), hạ lưu sông Ba (Phú Yên) tiếp tục lên. Đỉnh lũ tại sông Hương (Thừa Thiên - Huế) tại Kim Long đang dưới mức báo động 3 là 0,7m; sông Cái Ninh Hòa (Khánh Hòa) trên báo động 3 là 0,57m…
Sáng 8/11, đã có 15 hồ thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên xả tràn, trong đó có 8 hồ xả tràn với lưu lượng từ 500 - 4.400 m3/s. Trước đó, đêm 7/11, các hồ thủy điện trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đồng loạt xã lũ khiến vùng hạ du thị xã Hương Thủy và huyện Quảng Điền bị ngập nặng, giao thông chia cắt.
Tối 8/11, Thứ trưởng Trương Tấn Viên đã yêu cầu các ngành cùng Sở GTVT Quảng Bình di dời hoặc buộc neo xà lan đang mắc cạn trên sông Gianh về địa điểm an toàn để chiếc xà lan này không bị trôi dạt gây đâm va vào các cầu ngang sông. Nếu xà lan trôi dạt gây thiệt hại đến tài sản, công trình, con người, lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải VN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT. |
Nhóm phóng viên