Ngày 21/12, tại hội thảo "Lao động giúp việc gia đình và chính sách pháp luật liên quan" do Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cho biết, trong những năm qua, lực lượng lao động giúp việc gia đình tăng nhanh do nhu cầu của xã hội. Tuy không trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng lực lượng này đã tạo điều kiện cho lao động có chất lượng cao phát huy khả năng và trí tuệ trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế.
Mặt khác, giúp việc gia đình cũng mang lại thu nhập tương đối ổn định cho nhiều người, đặc biệt là lao động nữ ở nông thôn có trình độ học vấn thấp, không có nghề nghiệp ổn định. Theo thống kê, năm 2012, mức lương giúp việc gia đình tại Hà Nội trung bình khoảng 2,8 triệu đồng mỗi tháng. Mức này cao hơn lương trả cho cử nhân đại học mới ra trường (khoảng 2 triệu đồng) và thu nhập bình quân của người dân sống tại khu vực nông thôn của Hà Nội (khoảng 1,4 triệu đồng mỗi tháng).
Mức lương của lao động giúp việc gia đình đang được thả nổi theo nhu cầu của thị trường lao động. Nhu cầu của người sử dụng càng cao thì mức lương trả cho người giúp việc càng có xu hướng tăng, như thời điểm giáp Tết, gia chủ phải trả lương khoảng 4-5 triệu đồng một tháng.
Tuy nhiên, giá trị mỗi giờ chăm sóc gia đình của người giúp việc ở Việt Nam vẫn chưa được đánh giá thích đáng. Nhiều người vẫn bị lợi dụng làm việc liên tục với khoảng 14-16 giờ mỗi ngày. Ở Việt Nam có gần 99% giúp việc gia đình là nữ. Khi họ đi giúp việc, chăm sóc cho thành viên của gia đình người khác, thì đồng nghĩa với việc bỏ lại đằng sau chính gia đình mình, nhà cửa không người dọn dẹp, chồng con thiếu vắng bàn tay người vợ, người mẹ. Thế nhưng, họ vẫn bị đánh giá thấp và ít được pháp luật lao động đề cập đến. Giúp việc gia đình bị coi là lao động không cần có kỹ năng vì những định kiến giới thường gắn công việc này với thiên chức của phụ nữ.
"Mức tiền công của những người lao động giúp việc gia đình thường bị định giá thấp và thiếu những quy định rõ ràng. Họ không được hưởng quyền lợi của người lao động như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội", bà Ngọc Anh nói.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới - gia đình cũng cho biết, trước năm 2012, lao động giúp việc gia đình rất ít được đề cập đến trong các văn bản pháp luật. Năm 2012, Bộ luật Lao động bổ sung sửa đổi đưa lực lượng lao động này vào quy định với một mục riêng. "Cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn các điều khoản về lao động giúp việc gia đình để bảo vệ quyền lợi cho người lao động về thời gian nghỉ ngơi, lương bổng, các chế độ bảo hiểm...", bà Ngọc Anh đề xuất.
Bà Doãn Thị Thuận, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, lao động giúp việc ngày một gia tăng, thường làm việc khép kín trong không gian nhà riêng của người sử dụng lao động nên có nguy cơ bị lạm dụng sức lao động, bạo lực, ngược đãi, quấy rối tình dục. Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc sửa đổi và bổ sung Bộ Luật Lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5.
"Đây là một sự đột phá bởi lần đầu tiên giúp việc gia đình được công nhận là một nghề và được luật hóa, giúp cải thiện điều kiện, chế độ làm việc cho người lao động, đồng thời bảo vệ quyền của họ và cả người sử dụng lao động", bà Thuận nói và cho hay Bộ Lao động Thương binh Xã hội đang xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động người giúp việc gia đình để trình Thủ tướng phê duyệt.
Hoàng Thùy