Thảo luận về ngân sách ở nghị trường ngày 1/11, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi hoan nghênh Chính phủ đã dành một khoản để điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, bình quân khoảng 7% đến 8%/năm. Cụ thể, mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng; lương hưu, trợ cấp, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức lương cơ sở từ 1/7/2017.
Tuy vậy, ông Lợi không khỏi băn khoăn, "lộ trình điều chỉnh tiền lương là từ nay đến năm 2020, tôi không biết ngân sách ở đâu ra?". Ông đồng thời cho rằng việc điều chỉnh như trên chỉ là giải pháp tình thế, chưa phải bản chất của cải cách chính sách tiền lương.
Ông Lợi đề nghị Chính phủ nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện với nguyên tắc phân phối theo lao động, đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy tăng năng suất, hiệu quả và coi đầu tư cho tiền lương như đầu tư cho sự phát triển. Theo đó, Chính phủ phải quyết tâm cao trong việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, đặc biệt là tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và áp lực của thị trường. Nhà nước khoán chi dịch vụ công theo kết quả đầu ra, không nên phân biệt đơn vị nhà nước hay tư nhân mà phải lấy hiệu quả làm thước đo.
Theo ông Lợi, trong số 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức chỉ có 500 nghìn cán bộ, công chức thuộc đối tượng cải cách chính sách tiền lương, còn 2,2 triệu viên chức thì phải giải quyết chính sách tiền lương trên cơ sở "tính đúng, tính đủ chi phí theo kết quả đầu ra".
Với nhóm người nghỉ hưu, ông Lợi cho rằng cần xác định mức lương không dưới "sàn an sinh xã hội", nguyên tắc điều chỉnh lương hưu là khi chỉ số giá tiêu dùng tăng lên và điều kiện kinh tế xã hội tăng lên thì sẽ điều chỉnh. "Việc điều chỉnh này không nằm trong cải cách tiền lương", ông Lợi phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt cho biết đi tiếp xúc cử tri lần nào người dân cũng phát biểu mong muốn Quốc hội quan tâm điều chỉnh lương cho cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người hưu trí, người có công...
"Trong điều kiện ngân sách khó khăn, nợ công cao thì việc tăng lương sẽ tác động như thế nào trong điều hành", ông Việt nêu vấn đề và cho rằng có thể trả lời được câu hỏi này bằng chủ trương tinh giản biên chế, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng...
Theo ông Việt, người hưởng lương hưu, người có công nên được điều chỉnh tỷ lệ cao hơn bình quân, vì thực tế đây là những người có đồng lương rất thấp. "Nếu mức điều chỉnh cho cán bộ, công chức, viên chức là 7%, thì người về hưu trước năm 1993 nên là 8%", ông Việt nói.
Võ Hải - Nguyễn Hoài