Sáng 25/2, phiên họp thứ 35 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII khai mạc. Phiên làm việc đầu tiên được dành để bàn về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Theo báo cáo giải trình trên cơ sở ý kiến đại biểu ở kỳ họp 8, thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Pháp luật phối hợp cùng Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật.
Về đề nghị mở rộng hình thức tuyên truyền, vận động bầu cử như vận động theo giới hay người ứng cử tự vận động, Thường vụ cho rằng, dự thảo Luật giới hạn hai hình thức là gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại hội nghị do Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức và thông qua phương tiện thông tin đại chúng là nhằm bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa những người ứng cử và tính công khai, minh bạch cho cuộc bầu cử.
Thường vụ Quốc hội đánh giá, những hình thức hợp pháp nêu trên cơ bản đã áp dụng trong thực tế, cho thấy sự hợp lý và hiệu quả, nên việc bổ sung hình thức khác là không cần thiết, khó bảo đảm công bằng. Thường vụ, do đó, xin giữ nguyên quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị quy định cấm sử dụng lợi ích như tiền, tài sản để lôi kéo, mua chuộc cử tri; cấm hành vi hứa hẹn ủng hộ tiền nếu trúng cử, hay sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin để vận động, sử dụng kinh phí sai trong quá trình bầu cử...
Phân tích điểm này, Thường vụ cho hay, dự thảo Luật đã quy định việc dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để lôi kéo, mua chuộc cử tri là phạm pháp. Ngoài ra, pháp luật cũng quy định những hành vi tác động tiêu cực đến kết quả bầu cử đều bị cấm, kể cả việc sử dụng kinh phí sai trong quá trình bầu cử. Từ đó, Thường vụ xin giữ quy định như đã thể hiện trong dự thảo Luật.
![thuongvu2a-6060-1424855034.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/02/25/thuongvu2a-6060-1424855034.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0wd8p2Yvgn0dC95JiZop2g)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 35 sáng 25/2. Ảnh: TTXVN.
Về mong muốn linh hoạt thời gian kết thúc bỏ phiếu với tình huống như: khu vực đã đủ 100% cử tri đi bầu, Ủy ban Thường vụ nhận thấy, cho phép kết thúc sớm việc bỏ phiếu có ưu điểm là tiết kiệm thời gian, công sức nhưng dễ dẫn đến thúc ép cử tri đi bầu sớm hoặc làm gia tăng tình trạng bầu hộ, bầu thay, ảnh hưởng quyền bầu cử của công dân. Mặt khác, việc kết thúc bỏ phiếu và tiến hành kiểm phiếu sớm có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu khác.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Thường vụ đã chỉnh lý quy định tại khoản 1 Điều 71 dự thảo Luật theo hướng cho phép kết thúc sớm việc bỏ phiếu tại khu vực đã có 100% cử tri đi bầu, nhưng không được kết thúc trước 14h cùng ngày; hòm phiếu tại nơi kết thúc bầu cử sớm phải được niêm phong và chỉ kiểm phiếu khi hết thời gian bỏ phiếu theo Luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, khó có thể cấm được việc vợ bỏ phiếu thay chồng vì thực tế khó kiểm soát. Theo ông, nếu đã cấm thì phải có chế tài xử lý, còn thời gian bỏ phiếu, các đại biểu đã thống nhất cả nước kết thúc lúc 17h. Ông Hùng nhấn mạnh, cần chuẩn bị dự thảo thật kỹ, có thể xin ý kiến Thường vụ Quốc hội bằng văn bản một lần nữa, vì luật sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Chiều nay, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật trưng cầu ý dân.
Hoàng Thuỳ