Sau buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ngày 9/10, 3 cặp sư tử đá tạo hình kiểu Trung Quốc án ngữ ở 3 cổng vào cố đô Hoa Lư (thuộc quần thể danh thắng Tràng An) đã được di dời. Ban quản lý quần thể danh thắng có kế hoạch chuyển đổi 3 cặp sư tử này thành nghê đá thuần Việt.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress ngày 10/11, Phó giám đốc Ban quản lý Bùi Văn Mạnh cho biết do chưa có hướng dẫn từ Bộ Văn hóa nên không biết phải chuyển thành mẫu nào cho phù hợp, kinh phí, cách thức cải tạo và nghệ nhân nào có thể thực hiện công việc đó. Việc phân biệt đâu là con nghê, đâu là sư tử, linh vật ngoại lai cũng là một khó khăn của cán bộ ban quản lý danh thắng Tràng An.
Trong quá trình thực hiện công văn 2662 về không sử dụng, di dời linh hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi nơi công cộng, di tích lịch sử văn hóa, TP Hà Nội đã phải nhờ chuyên gia của Bộ Văn hóa đến phân biệt một số hiện vật, như cặp sư tử đá ở Bảo tàng Tổng công ty Hàng không.
Trao đổi bên lề triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”, Cục phó Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm Đoàn Thị Thu Hương thừa nhận, nhiều người dân và cán bộ viên chức hiện nay không biết được tượng, hiện vật ngoại lai, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm ngoại lai, các sản phẩm truyền thống của Việt Nam như thế nào.
Theo bà Hương, nhiều địa phương trong lúc chờ hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên, đã tự ý loại bỏ tượng, linh vật ngoại lai ra khỏi di tích bằng cách vứt xuống sông, hồ, ao. "Đây là vấn đề nhạy cảm trong công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa và mỹ thuật sau này. Lãnh đạo Cục Mỹ thuật đề xuất hai cách giải quyết là xuất khẩu hoặc biến báo sang đồ dùng khác phù hợp", bà Hương nói.
Ngoài việc khó nhận diện, Phó chánh thanh tra Bộ Văn hóa Phạm Xuân Phúc cho rằng người quản lý di tích, thủ nhang, trụ trì các chùa chưa nhận thức được vấn đề, cho rằng các hiện vật đã vào chùa sẽ gắn với tâm linh. Việc khó liên lạc với người tiến cúng để trả lại, xử lý các hiện vật tiếp nhận sai cũng là một rắc rối.
“Cái tâm của nhà hảo tâm là tốt, nhưng ở góc độ văn hóa thì hành động tiến cúng hiện vật vào di tích mà chưa được được cho phép là trái với luật Di sản. Đúng ra những di tích như thế phải bị xử phạt hành chính 40-50 triệu đồng theo nghị định 58. Nhưng đây là vấn đề mới, phải chấn chỉnh trước, chúng tôi có công văn 2662 khuyến cáo các di tích, điểm du lịch, danh thắng, công sở không tiếp nhận và di dời hiện vật không phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc”, ông Phúc nói.
Để xử lý những vướng mắc trên, Cục phó Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm Đoàn Thị Thu Hương cho rằng cán bộ văn hóa phụ trách lĩnh vực này phải trau dồi kiến thức. Sắp tới, Cục Mỹ thuật sẽ ra sách cẩm nang nhận diện kỹ càng các linh vật để cán bộ, dân chúng nắm được.
Cục phó Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm Đoàn Thị Thu Hương: "Cán bộ văn hóa phải trau dồi kiến thức để có thể phân biệt đâu là linh vật ngoại lai". Ảnh: Quỳnh Trang. |
Bà Hương nhấn mạnh, việc đưa ra các mẫu linh vật truyền thống không phải để sao chép mà qua đó khuyến khích nghệ nhân tiếp thu tinh hoa dân tộc và sáng tạo ra những linh vật của thời nay. Các sáng tạo cần dựa trên tinh thần hiền hòa, đời sống không quá bị phân cách, như mây của thời Lý cũng đủ vân, phong, lôi, vũ, biểu hiện mong muốn thời tiết hài hòa, cây cối tốt tươi cho dân chúng.
Phó chánh thanh tra Bộ Văn hóa Phạm Xuân Phúc khẳng định trước kiến nghị của một số làng nghề về việc khó nhận diện linh vật, Bộ đã tổ chức triển lãm sư tử, nghê thuần Việt làm mẫu. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa sẽ tăng cường kiểm tra, dự kiến năm 2015 kiểm tra được 45-50 di tích trên phạm vi cả nước.
3 tháng qua, Bộ Văn hóa đã tổ chức các đoàn thanh tra kiểm tra một số di tích trọng điểm, một số địa phương có mật độ di tích nhiều. Qua kiểm tra 23 di tích ở 7 tỉnh thành phố, đoàn phát hiện 19 di tích có hiện vật lạ. Tất cả những nơi này đều hứa di dời và hiện trên 10 di tích đã chuyển di vật ngoại lai.
Trước thực trạng cổng chùa, khu di tích, công sở bày sư tử đá có hình mẫu Trung Quốc, châu Âu tồn tại hàng chục năm nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ra công văn 2662 về không sử dụng, di dời linh hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi nơi công cộng, di tích lịch sử văn hóa.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Đặng Thị Bích Liên Bộ yêu cầu đến tháng 11 âm lịch, các Sở Văn hóa trên toàn quốc sẽ tuyên truyền, thuyết phục. "Đến tháng 12 âm lịch, đồng loạt ra quân, kiên quyết di dời để đến Tết Nguyên đán có nơi thờ tự mang đầy đủ giá trị của văn hoá Việt Nam", Thứ trưởng nói.
Khi cùng Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên vào Đà Nẵng, đoàn nhận được phản hồi từ một số hộ trong làng nghề Non Nước rằng công văn 2662 của Bộ khiến sư tử đá của làng nghề bị ế ẩm, nhiều hộ gặp khó khăn. Bà Đoàn Thị Thu Hương, Cục phó Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, cho rằng trước khi được công nhận làng nghề, làng đá Non Nước vẫn sống tốt mà không làm sư tử đá theo tạo hình Trung Quốc. Lấy ví dụ cặp sư tử đá tại linh miếu của người Hoa ở phía Nam được thuần hóa theo phong cách người Việt, không còn nét dữ dằn, bà Hương muốn chứng minh việc “nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc”. |
Quỳnh Trang