Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Ngãi, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có 35 bác sĩ bỏ việc hoặc chuyển công tác ra ngoài tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là thu nhập còn thấp, chưa tương xứng với trình độ và sự cống hiến, áp lực công việc...
Hầu hết các bác sĩ bỏ việc đến làm việc tại các bệnh viện ngoài công lập tại TP HCM, Đà Nẵng và Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Trước thực trạng này, giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đức thừa nhận, không chỉ bác sĩ bỏ việc mà còn có hai lãnh đạo khoa, Bệnh viện đa khoa tỉnh cũng từng viết đơn xin nghỉ việc. Sau khi tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, Sở đã động viên họ tiếp tục làm việc ở địa phương. Quyền Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh đã nhiều lần đối thoại, tìm hiểu nguyện vọng, giải tỏa tâm lý tạo môi trường thuận lợi để các bác sĩ, dược sĩ ở lại yên tâm công tác.
Ông Lê Minh Huấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết thêm, trước thực trạng bác sĩ bỏ việc ngày càng nhiều, Ban thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh lần lượt tổ chức "hội nghị Diên Hồng" đối thoại với đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn tỉnh.
"Có thực tế là ứng xử nội bộ ngành y chưa thấu tình, đạt lý; thiết bị y tế còn thiếu, chính sách đãi ngộ còn chưa phù hợp. Bác sĩ trẻ mới về hưởng đãi ngộ 200 đến 250 triệu đồng nhưng người công tác lâu năm trong ngành thì chưa được hưởng chế độ gì nên nảy sinh bức xúc, mâu thuẫn", ông Huấn nhìn nhận.
Sau khi đối thoại, Tỉnh quyết định chi khẩn cấp 30 tỷ đồng hỗ trợ trang thiết bị y tế thiết yếu cho Bệnh viện đa khoa tỉnh; đồng thời ban hành nhiều chính sách đãi ngộ khuyến khích đội ngũ y, bác sĩ (cống hiến lâu năm lẫn mới về) có thu nhập ổn định, yên tâm công tác lâu dài tại địa phương.
Hiện HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngành y tế. Theo đó, ngoài việc hưởng lương theo quy định của Nhà nước, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II (chuyên ngành sản phụ khoa) được hỗ trợ một lần từ 300 đến 350 triệu đồng; tiến sĩ các chuyên ngành khác, thạc sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ nội trú (chuyên ngành sản phụ khoa) 250 triệu đồng.
Đối với bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I, bác sĩ nội trú hay bác sĩ, dược sĩ đại học (tốt nghiệp khá, giỏi) được hỗ trợ từ 200 đến 230 triệu đồng. Những người tốt nghiệp đại học hệ chính quy đạt loại giỏi trở lên hoặc học ở ngoài nước (loại khá trở lên) mức hỗ trợ là 100 triệu đồng.
Ngoài ra, từ đầu năm 2015, Tỉnh bắt đầu áp dụng chính sách đãi ngộ đối với các bác sĩ, dược sĩ đại học và trình độ sau đại học chuyên ngành y dược công tác lâu năm tại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, ngoài việc hưởng lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách theo quy định, họ còn được hưởng mức phụ cấp từ 0,7 đến 2 lần mức lương cơ sở (tăng thêm từ 800.000 đến 2,3 triệu đồng) mỗi tháng.
Quảng Ngãi đang thiếu bác sĩ trầm trọng, bệnh nhân từ các địa phương đổ xô về tuyến tỉnh điều trị luôn trong tình trạng quá tải hoặc vượt tuyến điều trị ở các bệnh viện cấp trung ương. Toàn tỉnh hiện có 182 trạm y tế nhưng chỉ 152 trạm bố trí bác sĩ về công tác. Chỉ hai huyện Đức Phổ và Sơn Hà 100% xã có bác sĩ. Đến năm 2015, các trạm y tế xã mới có thể bố trí đủ 100% bác sĩ về công tác.
Trí Tín