Kết thúc đợt kiểm tra (từ ngày 13/7 đến 17/7) tại các cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất, tổ kiểm tra, giám sát của Cục hàng không Việt Nam đã phát hiện nhiều sai sót từ khâu dịch vụ mặt đất đến dịch vụ hàng không, cùng bất cập hạ tầng.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất vào một giờ cao điểm buổi sáng, tổ kiểm tra chứng kiến do quá đông hành khách tại khu vực làm thủ tục của Vietnam Airlines nên nhân viên không thực hiện được việc lọc khách, dẫn đến phải đóng quầy muộn hơn dự kiến 15 phút đối với 4 chuyến bay. Khu vực làm thủ tục an ninh tại nhà ga nội địa Tân Sơn Nhất rất hẹp dẫn đến hiện tượng lộn xộn. Quá giờ lên máy bay song nhiều khách chưa qua được cửa kiểm tra an ninh, gây nên việc chậm chuyến bay.
Vào ngày 14/7, các hãng hàng không đều có các chuyến bay bị chậm nhiều giờ song không thông báo cho hành khách. Khách đến sân bay không được phục vụ đồ ăn và bồi thường, một số tin nhắn không nêu lý do chậm chuyến, hủy chuyến. Tổ công tác đã lập biên bản với một chuyến bay của hãng Jetstar Pacific chặng bay TP HCM - Hà Nội vào tối 13/7 vì chưa thực hiện nghĩa vụ đối với hành khách khi bị chậm chuyến.
Tổ kiểm tra đã yêu cầu các hãng hàng không bố trí người có thẩm quyền để kịp thời giải quyết các thắc mắc, khiếu nại của hành khách, thay đổi nội dung tin nhắn và cách thức thông báo về thay đổi giờ bay theo hướng xin lỗi hành khách, cùng với việc bồi thường thỏa đáng, phục vụ đồ ăn uống khi chậm chuyến kéo dài.
Cũng trong đợt kiểm tra, tổ công tác nghi ngờ Vietnam Airlines hủy chuyến bay tuyến Đồng Hới - Hà Nội trong những ngày 11/7 đến 17/7 để dồn chuyến vì lý do thương mại nên đã kiến nghị Thanh tra hàng không xác minh vụ việc.
Tổ công tác đánh giá thiết kế của hệ thống đường lăn, sân đỗ của cảng hàng không Tân Sơn Nhất bị "nút cổ chai" nên thời gian vận hành tàu bay trên đường lăn vẫn cao. Đặc biệt có thời điểm máy bay mất từ 20 đến 30 phút mới ra đầu đường cất cánh gây kéo dài thời gian quay đầu. Nhà ga nội địa sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang được sửa chữa nên thường xuyên bị ùn tắc tại khu vực làm thủ tục hàng không, thủ tục an ninh tại các khung giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều.
Tương tự, đường lăn tại Cảng hàng không Đà Nẵng cũng đang thi công nên thời gian lăn của máy bay mất 12 đến 15 phút.
Tại cảng hàng không Nội Bài, tổ công tác yêu cầu bổ sung ghế ngồi, đồng bộ hóa xe đẩy hành lý, lắp đặt trụ nước uống miễn phí tại các khu vực cách ly và kiểm soát hành lý của hành khách ở khu vực công cộng qua hệ thống camera...
Từ những kết quả khảo sát, đoàn kiểm tra kiến nghị Cục trưởng Hàng không thành lập tổ nghiên cứu các vụ chậm, hủy chuyến để tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết tình trạng này. Cùng với đó là tính toán thời gian quay đầu của máy bay để có phương án thích hợp cho từng loại theo năng lực khai thác hạ tầng của cảng hàng không.
Đầu tháng 7, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, 6 tháng qua, tỷ lệ chậm, hủy chuyến ở Vietnam Airlines là 12%; các hãng Vietjet Air, Jetstar Pacific là trên 40%. Trước số liệu đó, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng đánh giá, tình trạng chậm, hủy chuyến là rất nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân là hiệu quả quản lý nhà nước của Cục Hàng không không cao, các hãng cố tình dồn khách để tăng lợi nhuận. Ông yêu cầu các cơ quan phải kiểm điểm trách nhiệm liên quan việc hủy, hoãn chuyến trong 6 tháng qua và tìm ra nguyên nhân, giải quyết tình trạng chậm, hủy chuyến. "Hiệu quả kinh tế nhất là lợi ích của khách hàng. Nếu anh tiếc một chuyến nên dồn khách lại thì mất niềm tin của khách", Bộ trưởng Thăng nói và yêu cầu hãng Vietjet Air phải đạt 95% máy bay đúng giờ từ tháng 9, hãng Jetstar Pacific phải có 95% máy bay đúng giờ vào tháng 11, Vietnam Airlines phải đạt các chuyến bay đúng giờ bằng năm trước. |
Đoàn Loan