Sáng 17/3, Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.
Trong 39 ứng viên được các cơ quan, đơn vị giới thiệu, ngoài lãnh đạo thành phố như Bí thư Hoàng Trung Hải, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Công an Đào Thanh Hải, có nhiều giám đốc doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp.
Trong 48 người tự ứng cử, bên cạnh những tên tuổi có đóng góp nhất định cho thành phố như ông Trần Đăng Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất chương trình An Viên; ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc trung tâm hợp tác trí tuệ Việt Nam, có 7 người là lao động tự do, không rõ nghề nghiệp.
Nhiều đại biểu cho rằng, số người tự ứng cử tăng hơn kỳ trước thể hiện sự tiến bộ về dân chủ và người nộp hồ sơ đầy đủ, đúng luật phải được tôn trọng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, ứng cử đại biểu Quốc hội là quyền của mỗi công dân, không nên đưa họ ra khỏi danh sách, trừ trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật. “Tôi thấy tự ứng cử là một bước tiến của về mặt dân chủ trong bầu cử, để tiến tới xã hội dân chủ hơn”, ông Liên nói.
Tuy nhiên, ông Liên đề nghị phải thẩm tra kỹ lưỡng những trường hợp tự ứng cử để thấy được cả những thiếu sót, bất cập chưa thể hiện trong hồ sơ.
Chủ tịch Ủy ban Hòa Bình thành phố Hà Nội Đào Thanh Hương đánh giá, nhiều người tự ứng cử có trình độ chuyên môn và rất tâm huyết với đất nước, tuy nhiên, "cũng có người cảm giác như là chơi chơi thôi".
Theo bà Hương, "việc ai bước được vào vòng ba hiệp thương thì khi đó những người ngồi ở đây và đặc biệt các ban ngành của thành phố sẽ xem xét để làm sao 48 người tự ứng cử cân đối với 39 người được các đơn vị, cơ quan thành phố giới thiệu".
Nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, ông Đinh Hạnh lưu ý, Ủy ban Bầu cử Hà Nội phải có trách nhiệm xem xét, lựa chọn những đại biểu có phẩm chất, năng lực đáp ứng được yêu cầu. Nhìn danh sách, ông nhận thấy một số ứng viên không đủ tiêu chuẩn, không đủ phẩm chất.
Theo nguyên Phó chủ tịch thành phố, việc lấy ý kiến của cử tri ở tổ dân phố ứng viên sinh sống rất quan trọng. Các khóa trước nhiều ứng viên khai vào lý lịch hồ sơ rất tốt, nhưng khi về địa phương lại bị gạt ra ngoài vì tín nhiệm thấp. “Do vậy, trách nhiệm của chúng ta phải sàng lọc để lựa chọn được đại biểu xứng đáng với mong muốn của cử tri và đất nước”, ông Đinh Hạnh nói.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, ông Đào Văn Bình, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trật tổ quốc Việt Nam cho biết, danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội lần này đảm bảo tính dân chủ, quyền tự ứng cử của mỗi công dân. Tất cả hồ sơ kể cả người được cơ quan, tổ chức giới thiệu, lẫn người tự ứng cử đều đảm bảo công bằng như nhau nên đều được đưa vào danh sách. "Khi thực hiện sẽ đưa về tổ dân cư để xem những ứng viên đó có chấp hành pháp luật hay không", ông Bình nói.
Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cũng thông tin, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Hà Nội kiến nghị tăng số ứng viên của thành phố và giảm số ứng viên Trung ương giới thiệu, tuy nhiên trong văn bản trả lời, Thường vụ Quốc hội vẫn giữ nguyên cơ cấu. Theo đó, số ứng viên của Hà Nội là 16, Trung ương giới thiệu về là 14.
Sau phần thảo luận, các đại biểu tại hội trường biểu quyết bằng hình thức giơ tay để thông qua danh sách 87 ứng viên đại biểu Quốc hội khóa 14.
Cách đây hai ngày, trong buổi làm việc với đoàn giám sát Hội đồng bầu cử Quốc gia, Hà Nội báo cáo nhận được 47 hồ sơ tự ứng cử trong tổng số 87 hồ sơ. Như vậy sát vòng hiệp thương lần hai, số hồ sơ tự ứng cử tăng thêm một người.
Một thành viên đoàn giám sát tại buổi làm việc cho biết, Tiểu ban An ninh Hội đồng bầu cử Quốc gia nhận định kỳ bầu cử lần này phức tạp hơn, đã hình thành phong trào tự ứng cử. "Một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động", ông thông tin và nói thêm, "sẽ có một số trường hợp tự ứng cử phải đưa khỏi danh sách sau các vòng hiệp thương". Tuy nhiên ông không cung cấp trường hợp cụ thể cùng dấu hiệu hay bằng chứng nào về việc này.
Trưởng tiểu ban tuyên truyền bầu cử thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong đánh giá, ngoài một số trường hợp "tự ứng cử với mục đích khác", số hồ sơ ứng cử tăng là điều đáng mừng vì nó thể hiện tinh thần dân chủ được đề cao và một số người mong muốn đóng góp cho xã hội, đất nước.
Danh sách 87 ứng viên Quốc hội khóa 14 tại Hà Nội
Cần tiêu chuẩn gì để tự ứng cử đại biểu Quốc hội
Võ Hải