Sáng 7/3, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, UBND TP Hà Nội đã họp với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải triển khai công tác quản lý về giao thông vận tải, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn giai đoạn 2016-2020.
Kiểm soát xe quá niên hạn, hạn chế phương tiện cá nhân
Tại hội nghị, những vấn đề kiểm soát gia tăng phương tiện cá nhân, ô nhiễm không khí, khớp nối hệ thống giao thông, phát triển hệ thống đường không, quy hoạch ngầm… được các đại biểu đưa ra thảo luận. Đại diện Cục Đăng kiểm kiến nghị thành phố Hà Nội thu hồi hơn 10.000 ôtô đã hết niên hạn sử dụng. Hiện số xe hết hạn kiểm định từ một tháng trở lên là hơn 31.000.
Liên quan đến khí thải của phương tiện, lãnh đạo Cục đăng kiểm cho hay, cả nước hiện có 45 triệu xe (xe máy và ôtô) lưu hành. Thủ tướng quyết định kiểm soát khí thải tại các thành phố lớn. “Việc kiểm soát sẽ giống như đối với mũ bảo hiểm, trước mắt là vận động sau đó sẽ có chế tài”, đại diện Cục đăng kiểm nói.
Cũng liên quan đến khí thải, dẫn thông tin cảnh báo “Hà Nội sẽ ô nhiễm như Bắc Kinh”, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đưa ra thêm thông tin một tạp chí uy tín quốc tế công bố mỗi năm Việt Nam có 4.000 người chết vì ô nhiễm môi trường liên quan tới khí thải giao thông.
Từ thực tế trên, ông Hùng đề nghị Hà Nội sớm xây dựng đề án tăng cường năng lực vận tải công cộng và kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân. Đưa ra hình ảnh “xe buýt nhả khói đen giữa giờ cao điểm mà phía sau là hàng nghìn xe máy”, Phó chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông đề nghị thành phố áp dụng tiêu chuẩn cao hơn trong kiểm soát khí thải với xe buýt.
Trưởng phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội Đào Vịnh Thắng kiến nghị cần quan tâm đến niên hạn sử dụng với xe máy. Theo ông, ôtô có niên hạn sử dụng, xử phạt dễ. Nhưng đối với xe máy thì “đi hỏng cho tới lúc không đi được”, do đó cần có chế tài để kiểm soát.
Ông Thắng đưa ra sáng kiến sơn màu xe buýt theo các tuyến để người dân dễ nhận biết hướng mình cần đi, ví dụ về Giáp Bát thì màu đỏ, về Gia Lâm màu xanh.
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết về giảm ùn tắc trong đó có hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến đời sống dân sinh của nhiều người nên đang được thận trọng triển khai.
Dự kiến trong tháng 4/2016, đề án liên quan đến hạn chế phương tiện cá nhân sẽ được trình Thành ủy xem xét cho ý kiến, ông Hùng thông tin.
Tăng trưởng xe cá nhân phải gọi là "nước sôi"
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, ngân sách thành phố đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông hàng năm rất lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là sự phát triển quá nhanh của phương tiện cá nhân.
Cụ thể, thành phố hiện có 5,3 triệu xe máy, 560 nghìn ôtô, 10 nghìn xe đạp điện. Tốc độ tăng ôtô khoảng 17%, xe máy 11%. Tốc độ gia tăng thường xuyên gấp 1,5 đến 2 lần so với GDP. “Khi nói tốc độ tăng trưởng kinh tế 7 đến 8% gọi là tăng nóng, còn tăng trưởng của phương tiện giao thông cá nhân phải gọi là nước sôi”, ông Hải nói.
Theo Bí thư Hà Nội, cùng với sự gia tăng phương tiện cá nhân, dân số thành phố cũng phát triển rất nhanh. Khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội dân số là 6,2 triệu, hiện nay đã lên 7,6 triệu, chưa kể khách vãng lai.
Từ những dẫn chứng trên, ông Hoàng Trung Hải cho rằng: “Vấn đề về hạ tầng giao thông Hà Nội ở mức báo động. Báo động vì từng người dân ra đường đã thấy vô cùng khó khăn trong tham gia giao thông, đe dọa an toàn giao thông và hiệu quả của nền kinh tế”.
Người đứng đầu Thành ủy cho biết, để giải bài toán trên không nên chỉ nhìn vào hạ tầng mà phải chú trọng vào công tác quản lý. "Những giải pháp về quản lý nếu làm tốt, đồng bộ, có thể giải quyết được 30% các vấn đề nóng về giao thông vận tải hiện nay”, ông Hải nói.
Bí thư Hải cũng lưu ý, cần tập trung làm tốt, xử lý nghiêm vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm của phương tiện giao thông từ xe buýt, xe công trường, vệ sinh đường phố, trật tự an toàn các bến xe bến tàu, tạo bộ mặt mới thực sự văn minh, thanh lịch cho thủ đô.
“Tôi xem trên mạng, người ta quay cảnh bến xe Mỹ Đình rất lộn xộn. Như thế đầu tư hạ tầng tới khi nào cho hết. Riêng với ôtô, xe ra khỏi các công trường xây dựng phải vệ sinh sạch sẽ mới được ra phố. Các anh chị nhìn Lotte làm bao nhiêu năm có bụi bẩn không? Các anh chị nêu Hà Nội có khả năng ô nhiễm bằng Bắc Kinh, tôi nghĩ còn hơn nếu không quy hoạch từ bây giờ”, Bí thư Hà Nội nói.
Theo Đồ án Quy hoạch Giao thông vận tải thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được trình Thủ tướng, Hà Nội hướng tới xây dựng hệ thống giao thông vận tải hoàn thiện đáp ứng được các tiêu chí: Bền vững - Đồng bộ - Hiện đại. Cụ thể, phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ để đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 20-26% cho đô thị trung tâm; đạt 18-23% cho các đô thị vệ tinh. Trong đó, diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt 3-4%. Có 11 tuyến cao tốc, 8 quốc lộ và 2 đường vành đai liên vùng nối giao thông từ thủ đô đi các phía. Trong đô thị, có một cao tốc, 2 đường vành đai và 11 trục chính phía Bắc sông Hồng, 9 trục phía Nam sông Hồng. Hà Nội cũng tập trung cải tạo và xây dựng mới 185 nút giao khác mức giữa các đường cao tốc, đường trục chính đô thị với đường ngang, xây dựng mới 11 cầu cùng 6 cầu hiện hữu vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội, 4 cầu mới cùng 4 cầu hiện hữu qua sông Đuống, và cầu qua sông Đà, sông Đáy và các tuyến sông khác. Cùng với đó là 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực đô thị trung tâm, 8 tuyến xe buýt nhanh. Đến năm 2020, Hà Nội sẽ phấn đấu vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% tổng nhu cầu đi lại. Đặc biệt, Hà Nội tập trung xử lý vấn đề nâng cấp tiêu chuẩn hiện đại, môi trường vận tải công cộng khối lớn như xe buýt, đường sắt đô thị, thay thế và tăng mạnh hệ thống xe buyt đang bị coi là gây ô nhiễm hiện nay. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong quản lý hệ thống giao thông. |
Võ Hải