Ngày 2/9/1945, bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được vang lên trên quảng trường Ba Đình. Một ngày sau, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề về sự cần thiết phải có một bản Hiến pháp dân chủ cho nước Việt Nam. VnExpress phỏng vấn GS, TS Vũ Minh Giang - Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, xung quanh sự ra đời bản Hiến pháp đầu tiên.
- Thưa ông, hơn bảy thập kỷ trôi qua, thế hệ hôm nay không phải ai cũng biết rõ những tình tiết về sự ra đời của bản Hiến pháp đầu tiên. Ông có thể cung cấp thông tin về điều này?
- Sau ngày 2/9/1945, để có đầy đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động của Chính phủ và đảm bảo những quyền lợi cơ bản của người dân, công việc xây dựng một bản Hiến pháp để Quốc hội thông qua đã được tiến hành hết sức khẩn trương.
Lúc bấy giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ xác định rằng, một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là phải xây dựng cho được một bản Hiến pháp, mà còn nhấn mạnh Việt Nam phải có Hiến pháp dân chủ.
Điểm cốt lõi của mô hình dân chủ thể hiện ở bản Hiến pháp 1946 chính là sự lựa chọn mô hình “nghị viện nhân dân”. Theo đó, nghị viện họp công khai, công chúng được vào nghe. Khi nghị viện không họp, Ban thường vụ của cơ quan này có quyền kiểm soát và phê bình Chính phủ... Những quy định này đặt trong bối cảnh suốt hàng nghìn năm lịch sử, người dân chỉ biết đến các chính thể quân chủ và chế độ thực dân, chúng ta sẽ thấy đây là một bước tiến lịch sử.
Ngày 20/9/1945, Uỷ ban dự thảo Hiến pháp bảy người được thành lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và các thành viên: Vĩnh Thuỵ (Bảo Đại), Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiền, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh).
- Ngoài Ủy ban dự thảo Hiến pháp, còn những ai tham gia vào công việc này, thưa ông?
- Dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban dự thảo Hiến pháp mà trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân sĩ trí thức danh tiếng trong toàn quốc như Phan Anh, Trần Văn Chương, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xiển, Đặng Thai Mai, Nguỵ Như Kon Tum..., tập hợp trong một tổ chức khi ấy gọi là Ủy ban Kiến quốc, đã nghiên cứu xây dựng một bản dự thảo Hiến pháp đệ trình Chính phủ.
Ủy ban dự thảo Hiến pháp cũng đã đề xuất thành lập Tiểu ban Hiến pháp với 11 thành viên là Tôn Quang Phiệt, Trần Duy Hưng, Nguyễn Thị Thục Viên, Đỗ Đức Dục, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Huỳnh Bá Nhung, Trần Tấn Thọ, Nguyễn Cao Hách, Đào Hữu Dương, Pham Gia Đỗ.
Ngoài những người của Việt Minh, tiểu ban này còn có đại diện của đảng Dân chủ, đảng Quốc dân và Hội Đồng minh cách mạng; thành phần của tiểu ban được Quốc hội thông qua ngày 2/3/1946.
Nhằm mở rộng đại diện cho các nhóm, các vùng và đồng bào thiểu số để tu chỉnh dự thảo hiến pháp trước khi trình ra Quốc hội, ngày 29/10/1946, Uỷ ban dự thảo Hiến pháp được bổ sung thêm 10 đại biểu.
- Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 1946 như thế nào?
- Lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam thực hiện quyền lập hiến là tại kỳ họp thứ hai khóa I (từ ngày 28/10 đến 9/11/1946). Do dự thảo được chuẩn bị công phu và toát lên tư tưởng vì lợi ích dân tộc, nhân dân nên sau nhiều buổi thảo luận và tranh luận sôi nổi, sửa đổi, bổ sung cho từng điều cụ thể, Quốc hội đã nhất trí cao khi biểu quyết thông qua Hiến pháp với 240/242 phiếu tán thành vào ngày 9/11/1946.
Mặc dù vậy, do chiến tranh bùng nổ ngay sau đó nên việc tổ chức tổng tuyển cử bầu nghị viện nhân dân không thể thực hiện. Do tình hình chiến tranh, Hiến pháp 1946 chưa được chính thức công bố.
- Từ góc độ một nhà sử học, ông nhìn nhận Hiến pháp 1946 như thế nào?
- Quyền lợi dân chủ của người dân được chú trọng đặc biệt trong Hiến pháp năm 1946. Các quyền cơ bản như Tự do ngôn luận, Tự do xuất bản, Tự do tổ chức và hội họp, Tự do tín ngưỡng, Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài … được đảm bảo trong điều 10.
Một điểm đáng lưu ý là Hiến pháp này đã xây dựng hẳn một chương riêng về chế định công dân và lần đầu tiên quyền bình đẳng của phụ nữ được bảo hộ bằng pháp luật. Cụ thể, Hiến pháp nêu rõ "đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện".
Từ Hiến pháp 1946, mọi quyền lực thuộc về nhân dân được ghi trong Bộ Luật căn bản của Quốc gia, làm căn cứ cho các bộ luật khác. Cũng từ đây mọi quyền căn bản của nhân dân được cam kết đảm bảo dưới thể chế dân chủ cộng hòa.
- Như vậy, nhiều nội dung cơ bản của Hiến pháp 1946 vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay và mai sau?
- Ưu điểm lớn nhất của Hiến pháp 1946 là tinh thần "mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân". Tinh thần này không những còn nguyên giá trị cho hôm nay mà còn là nguyên tắc cao nhất cho các bản Hiến pháp được phát triển về sau. Bởi vì "quyền lực đều thuộc về nhân dân" là nền tảng của một chế độ dân chủ, một xã hội công bằng và văn minh - cái đích mà chúng ta đang hướng đến và ra sức phấn đấu để đạt tới.
Tính ưu việt của bản Hiến pháp lịch sử còn là diễn đạt ngắn gọn, súc tích, nhưng rõ ràng, dễ hiểu, nhất là chương nói về nghĩa vụ và quyền lợi công dân. Trong chương này có tới 16/18 điều trực tiếp quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Các quyền và nghĩa vụ này về cơ bản vẫn phù hợp với tình hình nước ta hiện nay.
Bản Hiến pháp mới nhất của nước ta được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6, ngày 28/11/2013 đã kế thừa và phát triển tất cả các bản Hiến pháp trước đó. Đặc biệt về quyền con người được đưa lại vị trí thứ hai sau chương nói về chính thể. Sau Hiến pháp 1946, chương nói về quyền công dân được đưa dần xuống vị trí các chương sau, như trong Hiến pháp 1959 ở vị trí chương ba, đến Hiến pháp 1980 và 1992 xuống tới vị trí chương năm. Nhưng đến Hiến pháp 2013, chẳng những nội dung này được trở lại vị trí chương hai mà còn gọi đích danh là Quyền con người (Nhân quyền).
- Theo ông, muốn xây dựng xã hội dân chủ, pháp quyền thì việc xây dựng hệ thống hiến pháp, pháp luật phải đảm bảo điều gì?
- Hiến pháp và hệ thống pháp luật là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để bảo đảm nền dân chủ. Hệ thống này cần liên tục được hoàn thiện. Tuy nhiên, điều quan trọng là pháp luật phải được tôn trọng, hay nói cách khác là cùng với việc xây dựng Hiến pháp và pháp luật, rất cần xây dựng và giáo dục lối sống thượng tôn pháp luật của người dân.
Theo tôi, có những việc cần phải làm ngay. Đó là phải sớm có những giải pháp để hạn chế tình trạng nơi này, nơi khác còn có biểu hiện vi phạm quyền làm chủ của nhân dân; tha hóa, lạm dụng quyền lực của những cán bộ có chức, có quyền. Tổ chức Đảng phải trực tiếp giám sát, kiểm soát quyền lực, hay nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là phải "nhốt" quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật.