Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và các vấn đề xã hội, ủng hộ việc trao quyền cho các cặp vợ chồng được quyền quyết định số con và các lần sinh vì phù hợp với Hiến pháp và Công ước Cedaw mà Việt Nam đã ký kết. Theo công ước quốc tế này, vợ chồng được quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh.
"Quan trọng nhất là 10 năm qua nước ta đã đạt được mức sinh thấp - như năm 2014 là 2,09, trong khi đó tác động của mức sinh thấp đến kinh tế - xã là rất dữ dội", ông Cử nói và cho rằng thế hệ bước vào tuổi sinh đẻ tối đa sinh năm 1975. Họ bước vào độ tuổi sinh đẻ từ những năm 1993, khi đó chính sách kế hoạch hóa gia đình rất quyết liệt và họ nhận thức khác so với thế hệ trước đó.
“Hơn một nửa thế kỷ qua chúng ta đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình, mô hình 2 con trở nên phổ biến và người dân thấy rõ lợi ích. Vì thế, chúng ta cần trao quyền quyết định số con cho các cặp vợ chồng. Tôi cũng hiểu tâm lý "chim sợ cành cong", nếu cho phép mà dân số bùng nổ thì sao. Nhưng chính sách dựa trên bằng chứng do Tổng cục Dân số cung cấp. Tất cả con số Tổng cục đưa ra đều cho thấy mức sinh thấp, không có chuyện bùng phát”, giáo sư Cử nhấn mạnh.
Bà Ritsu Nacken, quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, số liệu thống kê cho thấy mức sinh của Việt Nam đã liên tục giảm và đạt dưới mức sinh thay thế trong gần 10 năm qua, kể từ năm 2005. Một đặc điểm nổi bật khác của nhân khẩu học Việt Nam là vấn đề già hóa dân số. Việt Nam đã chính thức bước vào “giai đoạn già hóa” từ năm 2011, kết quả của việc mức sinh và mức chết đều giảm và tuổi thọ cao hơn.
Trước những con số trên, bà Ritsu Nacken cho rằng Việt Nam không phải tiếp tục chính sách giảm mức sinh hay kiểm soát dân số nữa. Bởi xu hướng giảm tổng tỷ suất sinh là rõ ràng và không thể đảo ngược lại cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách kiểm soát dân số thì sẽ tác động ngược lại tới sự phát triển kinh tế xã hội.
“Dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia khác, đã đến lúc Việt Nam phải chuyển trọng tâm của chính sách dân số từ kiểm soát sinh sang việc lồng ghép các biến số dân số vào quá trình lập kế hoạch phát triển”, bà Ritsu Nacken nói.
Phát biểu trong một hội thảo gần đây, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng cho rằng đã đến lúc điều chỉnh chính sách dân số, đặc biệt là mức con mỗi bà mẹ được sinh. Kinh nghiệm Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy mức sinh giảm quá sâu sẽ không phục hồi được. Vì thế giảm sinh đến mức nào, thời điểm nào dừng lại để không lặp lại câu chuyện của các nước trên là vấn đề ngành dân số cần quan tâm.
Đồng tình với quan điểm trên, tiến sĩ Lê Bạch Dương, chuyên gia Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc lấy ví dụ bức tranh dân số của Hàn Quốc, là nước tương đồng về lịch sử với Việt Nam, trải qua chiến tranh, mức sinh cao. Giống như Việt Nam, mức sinh của họ giảm ngoạn mục chỉ sau 2 thập kỷ đã đạt mức sinh thay thế (từ 6 con/phụ nữ xuống dưới 2,1 con). Nhưng sau đó mức sinh này tụt liên tục, năm 2005 xuống thấp nhất chỉ còn 1,08; sau đó với những nỗi lực của Chính phủ thì con số này nhích lên được 1,3.
“Thực tế là từ năm 1996, Chính phủ Hàn Quốc đã ngừng kiểm soát mức sinh khi nó tụt xuống chỉ còn 1,6. Quyết định này được đưa ra sau 13 năm đạt mức sinh thay thế. Nhưng bất chấp những cố gắng của chính phủ, thậm chí là với những chính sách khuyến khích sinh ‘hào phóng’, họ vẫn thất bại trong việc vực mức sinh”, tiến sĩ Dương phân tích.
Một bài học nữa là Trung Quốc dù đã nới lỏng chính sách một con nhưng phản ứng của xã hội vô cùng yếu ớt vì trong suốt 3 thập kỷ trước họ đã tuyên truyền rất nhiều về lợi ích của sinh một con. Hiện mức sinh của nước này chỉ là 1,4 - bằng mức trung bình của Mỹ và các nước châu Âu phát triển.
Trong suốt 50 năm qua, chính sách dân số của Việt Nam là tập trung xử lý quy mô dân số tăng quá nhanh, dự kiến đạt mức sinh thay thế năm 2015, nhưng 2006 đã đạt. 10 năm qua mức sinh thay thế duy trì 2,1 con. Năm 2014 quy mô dân số Việt Nam là 90,5 triệu. Xu hướng mức sinh thấp hiện hữu ở nhiều tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, ví dụ mức sinh của TP HCM là 1,68; Cà Mau là 1,7; Bắc Giang 1,77; Hậu Giang 1,78; trong khi Hà Tĩnh là 2,95; Quảng Trị là 2,75; Kon Tum là 2,7; Đăk Lăk 2,7.
Nam Phương