Sáng 10/3, Bộ Giao thông đã giới thiệu công nghệ thu phí tự động trên Quốc lộ 1A mở rộng và đường Hồ Chí Minh từ tháng 6 tới. Theo đó, nhà đầu tư sẽ triển khai thu phí không dừng (ETC) theo công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến tiêu chuẩn ISO/IEC 18000-6C, do Mỹ phát triển. Công nghệ có ưu điểm như thao tác đơn giản, tốc độ nhận diện nhanh, kết quả thu phí chính xác và dễ được chủ phương tiện giao thông chấp nhận do thẻ được cấp miễn phí.
Ngoài ra, tại các trạm thu phí tự động còn áp dụng công nghệ cảm biến để cân tải trọng khi xe đi qua với độ chính xác đạt 98%. Thông tin về tải trọng phương tiện sẽ hiện thị ngay trên bảng điện tử đặt bên lề đường. Các xe quá tải sẽ được cảnh báo tình trạng và được lập danh sách chuyển cho cơ quan chức năng xử lý các bước tiếp theo.
Bộ Giao thông đã thực hiện thí điểm thu phí không dừng tại 3 trạm ở Thanh Hóa, Quảng Bình và Quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông trước khi áp dụng đại trà tại 35 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 đoạn từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và Quốc lộ 14 đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên trong năm nay.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, giai đoạn đầu, nhiều chủ phương tiện chưa sử dụng thẻ E-tag có thể mua vé qua trạm. Các trạm thu phí cũng có thanh chắn ngăn chủ xe không mua vé. Trong giai đoạn tiếp theo, thanh chắn sẽ được bỏ đi ở tất cả các tuyến đường bộ, gồm cả hệ thống đường cao tốc.
"Căn cứ vào lưu lượng xe, đơn vị quản lý sẽ áp dụng số làn xe thu phí không dừng và một dừng tại mỗi trạm. Mức phí người tham gia giao thông phải nộp là như nhau. Nếu xe đủ điều kiện qua trạm thì các thanh chắn sẽ tự động mở để xe đi qua", Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.
Lãnh đạo Bộ cũng khẳng định sẽ sửa đổi nghị định 171 với việc xử lý vi phạm qua hình thức phạt nguội. Lúc đó, lực lượng chức năng không phải dừng phương tiện mà có thể chuyển hóa đơn xử phạt đến chủ phương tiện.
Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch hội đồng quản trị Tasco (chủ đầu tư trạm thu phí không dừng) - cho biết, áp dụng công nghệ ETC tại các trạm thu phí thì sẽ tiết kiệm được khoảng 70 tỷ đồng/năm tiền in vé.
Ngoài ra, hệ thống này sẽ tiết kiệm chi phí nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm; tiết kiệm tiền lương lái xe và hành khách tham gia giao thông khoảng 2.800 tỷ đồng/năm... Tổng cộng lợi ích kinh tế - xã hội hàng năm có thể ước lượng được bằng tiền khi áp dụng hệ thống thu phí không dừng là 3.400 tỷ đồng/năm.
Giữa tháng 1, đoạn Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Vũng Áng (Hà Tĩnh) dài 315 km đã được thông xe, rút ngắn thời gian lưu thông Hà Nội - Hà Tĩnh từ 8 giờ xuống còn 6 giờ, nâng chiều dài dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ được khánh thành là 450 km trong tổng số 1.440 km. Bộ Giao thông đặt quyết tâm hoàn thành dự án mở rộng Quốc lộ 1A vào năm 2015.
Hiện dự án đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 14) nối từ Đắk Giôn (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài 663 km cũng được định hình và hoàn thành trong năm nay.
Để sử dụng dịch vụ thu phí tự động này, chủ phương tiện sẽ được phát một thẻ định danh (E-tag) miễn phí dán lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Tài khoản này có thể nạp tiền trực tiếp, qua mạng, qua ngân hàng... Sau khi xe đã được dán thẻ chạy vào làn thu phí, hệ thống sẽ nhận diện bằng công nghệ laser sẽ kích hoạt camera chụp biển số và phát tín hiệu để đọc thẻ E - tag. Nếu tài khoản của xe đủ điều kiện qua trạm, thanh chắn sẽ mở tự động để xe đi qua, đồng thời thông báo trừ tiền qua tin nhắn điện thoại. Trường hợp tài khoản của xe không đủ tiền hoặc xe không dán thẻ E-tag thì chủ xe phải mua vé qua trạm.
Một trạm thu phí không dừng ở nước ngoài |
Đoàn Loan