Thượng tá Nguyễn Công Điển, Phó phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP Hải Phòng cho biết, ngày 13/11, Phòng đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý tuyến sông Cấm, gồm: Ban An toàn giao thông thành phố, Cảng vụ Hải Phòng, Cảng vụ thủy nội địa, Thanh tra giao thông nhằm quán triệt vấn đề báo nêu theo sự chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng.
Các bên đã thống nhất cùng tìm giải pháp để kiềm chế tối đa phương tiện thủy nội địa chở hàng quá tải, xử lý nghiêm chủ phương tiện hoạt động vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện thủy nội địa khi tham gia vào luồng hàng hải trên sông Cấm cũng như trên tuyến sông khác thuộc Hải Phòng.
Với quyết tâm lập lại an ninh trật tự, an toàn trên tuyến sông Cấm, tiến tới xây dựng thành tuyến sông văn hóa, UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành, giao Chi cục Đăng kiểm 10 làm trưởng đoàn, Phòng Cảnh sát đường thủy làm phó đoàn.
Cũng theo thượng tá Điềm, đến nay các đơn vị đã xây dựng được 10 mô hình điểm, khu dân cư văn hóa, bến tàu, bến đò an toàn.
Sông Cấm là tuyến sông huyết mạch, tập trung hơn 30 cảng biển lớn nhỏ cùng nhiều bến tàu, bến bãi, bến đò nên lượng phương tiện tàu biển, tàu sông, tàu khách… đan xen chằng chịt. Ngoài phương tiện thủy của Hải Phòng, hàng ngày sông Cấm còn tiếp nhận hàng chục lượt phương tiện chở hàng hóa, chủ yếu là vật liệu xây dựng đến từ các tỉnh lân cận: Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang… qua lại. Do đó, để lập lại trật tự ngoài đơn vị nòng cốt là lực lượng cảnh sát đường thủy, Cảng vụ thủy nội địa Hải Phòng cần phối hợp với cảng vụ thủy nội địa các tỉnh lân cận để kiểm soát trọng tải ngay từ đầu bến.
Giang Chinh