Trao đổi với báo chí chiều 7/10, ông Lê Kim Thành, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) cho biết, ngay sau khi phát hiện vết nứt, VEC đã chỉ đạo nhà thầu khảo sát, đánh giá hiện trạng và khoan khảo sát nhằm xác định cụ thể cấu tạo địa tầng khu vực.
Kết quả của việc khoan 2 mặt cắt với 8 lỗ khoan cho thấy, tại vị trí Km83+025 (trung tâm của vết nứt) có sự bất thường về địa tầng, không xuất hiện lớp đất có khả năng chịu tải tốt; có lớp đất yếu gồm bụi dẻo lẫn hữu cơ nằm trực tiếp trên nền đá có độ dốc ngang ra phía ngoài lớn gần 30%.
"Cấu tạo địa tầng vị trí này đã không được phát hiện trước đây do nằm giữa 2 mặt cắt khoan khảo sát địa chất khi xử lý đất yếu", ông Lê Kim Thành nói.
Dựa trên việc khảo sát, cùng ngày, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cùng các chuyên gia Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) đánh giá nguyên nhân vết nứt và giải pháp xử lý.
Theo đó, các chuyên gia thống nhất nơi xảy ra nứt nằm trong đoạn địa chất phức tạp nên xuất hiện hiện tượng trượt sườn, đáy khối trượt xuất hiện ở khu vực tiếp giáp giữa đất yếu và đá gốc làm mất ổn định và gây ra nứt mặt đường. Các chuyên gia đã đưa ra phương án xử lý như thi công ngay bệ phản áp để đảm bảo ổn định nền đường khu vực bị nứt. Quá trình thi công bệ phản áp kết hợp với các biện pháp tính toán, quan trắc và thẩm tra điều chỉnh.
Với các khu vực nền đất yếu khác, ông Lê Kim Thành cho biết, đơn vị tiếp tục theo dõi lún song tin tưởng các vị trí này sẽ không xảy ra nứt mặt đường.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho hay, quá trình thi công, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có 10 vị trí nền đất yếu. Theo nguyên lý là phải có thời gian chờ lún 6-9 tháng, song nếu chờ thì 130 km đường còn lại sẽ không khai thác được nên Bộ cho phép đặt biển đường chờ lún để khai thác tạm. Việc xử lý vết nứt trên cao tốc được chủ đầu tư tiến hành chủ động chứ không phải bị động.
Đoàn Loan