Sáng 2/6, Bộ Giao thông đã họp bàn các giải pháp an toàn sau vụ tàu hỏa đâm xe tải tại Phú Thọ sáng 1/6 làm một người thiệt mạng, đầu máy và hai toa xe bị đổ và hư hỏng. Sau 12 giờ cứu hộ, tuyến đường sắt phía Tây mới thông khiến hàng chục chuyến tàu bị ảnh hưởng.
Theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt, việc cứu hộ chậm là do cẩu đường sắt phải di chuyển hơn 4 giờ mới đến hiện trường. Thông thường, cứu hộ đầu máy văng khỏi đường ray phải mất khoảng 10 giờ và 4 -5 giờ đối với toa xe.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhận định, cứu hộ đường sắt chưa chuyên nghiệp. Để rút ngắn thời gian, thay việc chờ cẩu chuyên dụng, cần sử dụng lực lượng tại chỗ, huy động cẩu đường bộ vì phương tiện này đã tham gia cứu hộ được khoảng 75% số vụ.
Theo ông Đông, điểm yếu của ngành đường sắt là thông tin về các vụ tai nạn chưa kịp thời, ý thức cung cấp tin của cấp dưới chưa tốt. Như vụ tai nạn ngày 1/6, lãnh đạo Bộ phải hỏi thông tin từ Tổng công ty đường sắt.
Ông Đông cho rằng, phần lớn tai nạn đường sắt xảy ra ở đường ngang dân sinh nên các tỉnh cần làm đường gom. Tai nạn đã giảm tại các tỉnh đóng đường ngang, đầu tư đường gom để người dân lại như Nam Định, Hưng Yên. Ngoài ra, ngành đường sắt cần huy động lực lượng canh gác, lắp tín hiệu cảnh báo nhiều hơn ở đường ngang.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng phân tích, trong 5 tháng qua, tai nạn giao thông đường sắt tăng cả 3 tiêu chí cho thấy các giải pháp an toàn giao thông chưa hiệu quả. Từ nay đến cuối năm ngành đường sắt phải thực hiện nhiều biện pháp để giảm số vụ, số người chết và bị thương.
"Để xảy ra tai nạn nhiều mà các anh không sốt ruột gì cả. Mỗi lãnh đạo đường sắt phải đau xót khi có tin người chết. Chúng ta không được đổ lỗi cho dân, do người dân đi đường ngang hợp pháp hay không hợp pháp", Bộ trưởng Thăng nói.
Bộ trưởng yêu cầu ngành đường sắt triển khai chiến lược giao thông đường sắt đến năm 2030, cụ thể hóa các mục tiêu và công bố cho dư luận. Cùng với đó phối hợp chặt chẽ với địa phương rà soát các đường ngang, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào điều hành an toàn giao thông. Ngành đường sắt phải nâng cao năng lực, lên phương án cứu hộ trên từng cung đường và tổ chức diễn tập để giảm thiểu tổn thất khi tai nạn.
Sáng 2/6, Chính phủ có Chỉ thị tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt; Các cơ quan chức năng khẩn trương phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và chính quyền địa phương rà soát, đánh giá các điểm, vị trí đường ngang gây mất an toàn giao thông, đề ra biện pháp khắc phục về kết cấu hạ tầng đường sắt; bố trí người trực cảnh giới tại các đường ngang có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, thường xuyên xảy ra tai nạn. Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong 5 tháng đầu năm, đường sắt đã xảy ra 86 vụ tai nạn giao thông, làm chết 76 người, bị thương 24 người. So với cùng kỳ năm 2014 đã tăng 11% số vụ, tăng 8,5% số người chết, tăng 50% người bị thương. Vị trí xảy ra tai nạn tại các đường ngang dân sinh chiếm 78%, tại các đường ngang có cảnh báo tự động 8,3%, đường ngang có biển báo 2,7%. |
Đoàn Loan