Sáng 10/2, lãnh đạo Bộ GD&ĐT gặp gỡ báo chí để thông tin về tình hình thi, tuyển sinh năm 2014. Thông tin về những thay đổi của kỳ thi đại học, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đã nhận được hồ sơ của 31 trường. Trong số đó có 15 đề án tương đối hoàn thiện, đã được đưa lên mạng tham khảo ý kiến của xã hội.
Danh sách các trường có đề án tuyển sinh đại học riêng |
10 trường khối văn hóa nghệ thuật tiếp tục được Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đề nghị cho tuyển sinh riêng và 6 đề án khác đang tiếp tục được hoàn thiện. "Sau khi tập hợp ý kiến phản biện của người dân, Bộ sẽ xem xét để quyết định trường nào được tuyển sinh riêng", Thứ trưởng Ga cho hay.
Các trường có đề án tuyển sinh riêng gồm đầy đủ loại hình đào tạo. Bên cạnh các trường ngoài công lập như ĐH Lạc Hồng, Phan Chu Trinh, các trường top đầu như Bách khoa Hà Nội, Kiến trúc TP HCM, Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, ĐH Đà Nẵng...cũng đưa ra những cách lựa chọn thí sinh phù hợp với nhu cầu đào tạo.
Ngày 10/3, Bộ Giáo dục sẽ công bố những trường được tự chủ tuyển sinh dựa trên cơ sở đảm bảo yêu cầu của dự thảo và được sự đồng tình của dư luận.
Theo lộ trình "đổi mới thi cử", Bộ Giáo dục sẽ giao quyền tự chủ cho các trường từ năm 2014, ba năm chuyển tiếp Bộ tiếp tục tổ chức thi 3 chung cho các trường có nguyện vọng. Tuy nhiên, tất cả các trường phải có đề án tuyển sinh riêng trình Bộ vào tháng 9/2014. Các trường có thể áp dụng nhiều phương án, như vừa thi, vừa xét tuyển, hay sử dụng kết quả học tập phổ thông. Điều bắt buộc là các trường phải xác định "ngưỡng tối thiểu" về kiến thức với thí sinh. |
Thứ trưởng Ga cũng cho biết, sau khi công bố dự thảo thi, tuyển sinh trong giai đoạn 2014-2016, Bộ nhận được ý kiến đồng tình, nhưng cũng không ít băn khoăn. Có ý kiến góp ý, trong năm 2014 và 3 năm sau nên tiếp tục 3 chung và cải tiến điểm sàn vì cái vướng với các trường ngoài công lập là khó tuyển sinh. Tuy nhiên, năm 2013 Bộ đã cải tiến xác định điểm sàn theo cách thống kê kết quả thi các trường gửi về, tính mức điểm bình quân của thí sinh ở các khối.
Dựa trên phân tích này, Bộ Giáo dục đưa ra các phương án điểm sàn để hội đồng bàn bạc và quyết định. Các nguyên tắc tuân thủ là bảo đảm chất lượng đầu vào, cơ cấu vùng miền, cơ cấu xã hội nhưng cũng bảo đảm nguồn tuyển tối ưu cho các trường, đáp ứng yêu cầu thí sinh có đủ năng lực theo học ĐH, CĐ, được xã hội đồng tình.
"Người dân muốn Bộ thay đổi tiêu chí xác định điểm sàn thì có thể đề xuất để tham khảo ý kiến xã hội. Đó là ngưỡng xác định chất lượng tối thiểu đầu vào nên vẫn phải duy trì", Thứ trưởng Ga khẳng định.
Có ý kiến nêu sự bất cập khi cho học sinh đăng ký thi vào các trường trước khi kỳ thi diễn ra. Điều này có thể gây nhiều may rủi như thi vào ĐH Y Hà Nội, dù được 27 điểm thí sinh vẫn không đỗ. Người này đề nghị cứ để học sinh thi xong, khi có có kết quả thì các em nộp hồ sơ xét vào trường đại học. Hay việc nhập 2 kỳ thi thành 1 kỳ thi quốc gia. Đề thi có câu hỏi đơn giản để tốt nghiệp THPT, câu khó để phân loại thí sinh qua 4 bài thi: toán, logic, năng lực, ngoại ngữ.
"Đó là những đề xuất Bộ đã nhận được. Xã hội có thể cho ý kiến điều kiện hiện nay thực hiện được hay không? Bộ sẽ tập hợp và đưa ra quyết định cuối cùng", Thứ trưởng nhắn nhủ.
Hoàng Thùy