Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay số mắc bệnh tay chân miệng theo tuần đã bắt đầu tăng nhẹ so với tuần cùng kỳ 2013 gần 2%. Trong tuần qua, cả nước ghi nhận gần 1.900 trẻ bị tay chân miệng; tăng khoảng 4% so với tuần trước đó. Có 12 địa phương ghi nhận số mắc tăng so với tuần trước như: Lâm Đồng, Cà Mau, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Bình Phước, Nam Định, Phú Thọ, Hà Nội...
Như vậy, tích lũy từ đầu năm 2014 cả nước ghi nhận hơn 24.700 trường hợp mắc tại 62 địa phương, 2 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2013 số mắc cả nước giảm gần 14 %. Trong đó khu vực miền Bắc, Trung giảm mạnh, miền Nam giảm khoảng 4%, riêng Tây Nguyên tăng 0,8%.
Tuy nhiên, một số tỉnh có số mắc tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái là TP HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu , Cà Mau, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Bình Dương, Bạc Liêu, Kon Tum.
Tay chân miệng là một bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông.
Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắcxin. Nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ bị bệnh. Trẻ nên được cho uống nhiều nước và có thể được điều trị triệu chứng để giảm sốt và giảm đau từ vết loét, phòng biến chứng.
Tình hình bệnh tay chân miệng ở một số nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng diễn biến phức tạp trong những năm gần đây, có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao tại một số nước. Tổ chức Y tế Thế giới thông báo số mắc đang gia tăng tại Trung Quốc với gần 700.000 ca, tăng 1,9 lần; Ma Cao hơn 1.300 ca, tăng 1,8 lần; Singapore gầm 7.000 ca tăng 1,03 lần so với cùng kỳ năm 2013.
Phương Trang