Tại buổi lễ, ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - khẳng định, cán bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa vinh dự khi địa phương được chọn là nơi xây dựng tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma. Thời gian qua Khánh Hòa đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong quá trình chuẩn bị và thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp để công trình được đúng tiến độ.
Ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam - nhấn mạnh, việc xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma nhằm thắp sáng ngọn lửa thiện nguyện, lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đồng thời giáo dục ý thức tự hào lịch sử dân tộc và phát huy truyền thống gìn giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của những thế hệ cha ông. Khu tưởng niệm như một mộ phần chung giúp an ủi các thân nhân chiến sĩ Gạc Ma.
Cựu binh Lê Hữu Thảo - người có mặt trong trận chiến Gạc Ma năm 1988 - cho hay, 27 năm đã qua nhưng trong số 64 chiến sĩ hy sinh khi Trung Quốc tấn công chiếm đảo Gạc Ma vẫn còn nhiều liệt sĩ vẫn chưa tìm được thi thể. "Các anh đã đi vào những trang sử vẻ vang của dân tộc, nhưng thể xác mãi nằm lại với lòng biển lạnh", ông Thảo nói về các đồng đội.
Bà Nguyễn Thị Hằng, mẹ liệt sĩ Hoàng Ánh Đông đến từ Quảng Trị, rơi nước mắt khi nói về người con mình dứt ruột đẻ ra nhưng đến nay vẫn chưa tìm được thân xác. “Mẹ rất đau lòng. Ước mong duy nhất là tìm được xác con để mang về với đất mẹ. Bây giờ khi có khu tưởng niệm này sẽ rất an ủi phần tâm linh cho các gia đình, anh linh các con cũng được ấm cúng”, bà nói.
Ở phía dưới, bà Đỗ Thị Hà - vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh - cũng không cầm được nước mắt khi con gái Đinh Thị Mỹ Lệ nhớ về cha qua lời kể của mẹ.
Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên vùng đất rộng 2,5 ha thuộc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Kinh phí xây dựng tượng đài được đầu tư từ nguồn đóng góp của tổ chức Công đoàn và tất cả công nhân lao động trên cả nước, sau nữa huy động từ các cơ quan, đơn vị và các tấm lòng hảo tâm của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Hai phương án được bình chọn nhiều nhất đó là tác phẩm “Những người nằm lại phía chân trời” của tác giả Lý Thị Liễu (Công ty TNHH mỹ thuật - nhiếp ảnh Oanh Vũ, TP HCM) và “Hành trình khát vọng” của nhóm tác giả trẻ đến từ Trung tâm nghiên cứu kiến trúc - Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM.
Các tác giả chia sẻ về ý nghĩa của tác phẩm thiết kế với nội dung trọng tâm là “Vòng tròn bất tử” của các chiến sĩ Gạc Ma cùng tinh thần bất khuất, dũng cảm của các chiến sĩ Hải quân đã ngã xuống vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tường Vi