Chiều 13/6, trước khi góp ý dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội và hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (Nghị quyết 35), đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho biết, ông rất buồn vì nghị quyết này do 500 đại biểu thông qua, đang có giá trị thi hành thì bị dừng, phải sửa trong khi chưa có ý kiến của Quốc hội.
"Dù đã có thư của Chủ tịch Quốc hội, nhưng chúng tôi chưa thể hiện ý kiến mà đã sửa là không đúng, nên rút kinh nghiệm trong cách làm", ông Thuyền nói.
Ông Thuyền ví von bằng câu chuyện một cặp vợ chồng cũng đề ra quy chế đánh giá đạo đức gồm: chung thủy cao, chung thủy và chung thủy thấp. Một năm sau, thấy chồng lăng nhăng người vợ đề xuất chỉ giữ hai mức: chung thủy và không chung thủy. Lý luận của người vợ là hoặc phải chung thủy hoặc không chứ không thể để ông chồng cặp bồ vẫn được tiếng "chung thủy thấp".
Từ câu chuyện, đại biểu Thuyền dẫn chứng cái dân chê nhất trong Nghị quyết thì không sửa là vẫn giữ nguyên ba mức lấy phiếu: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Ông Thuyền đề xuất nên để hai mức: tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. “Có cử tri nói tôi làm đại biểu mà sao dốt thế. Người nhiều phiếu tín nhiệm tức là tín nhiệm cao, ít phiếu nghĩa là thấp”, ông Thuyền bức xức.
“Tôi cũng bị cử tri chê dốt”, đại biểu Đỗ Văn Đương tiếp lời thể hiện sự không đồng tình với ba mức lấy phiếu. “Hoặc đúng hoặc sai chứ không nên vừa cao vừa thấp”, ông Đương lập luận và cho rằng, trên cơ sở hai mức, nếu người được lấy phiếu có trên 80% tín nhiệm đồng nghĩa với tín nhiệm cao. Còn tỷ lệ từ 50-80% tức là được tín nhiệm, dưới 50% đồng nghĩa với tín nhiệm thấp. “Đi từ định tính đến định lượng thì mới phù hợp logic”, đại biểu Đương phân tích.
“Tôi cũng thường xuyên bị cử tri chất vấn. Cử tri nói nếu anh đồng ý với ba mức lấy phiếu tức là anh không có bản lĩnh để nói tín nhiệm hay không tín nhiệm”, Phó đoàn Hà Nội Chu Sơn Hà bổ sung.
Đại biểu Lê Nam đề nghị "đã không lấy ý kiến của dân thì thôi, còn lấy ý kiến thì phải lắng nghe tâm tư người dân".
Là Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Cương cho hay ông cũng không thể thông suốt với cách giải thích ba mức lấy phiếu là "thận trọng trong đánh giá cán bộ". Thận trọng hay không, theo ông Cương, thể hiện ở trách nhiệm đại biểu khi bỏ phiếu chứ không nằm ở các mức lấy phiếu.
“Ba mức mang tính hình thức nhiều hơn chứ không phải là thận trọng”, Trung tướng Trần Văn Độ, Phó chánh án Tòa án Tối cao đồng tình.
Về số lần lấy phiếu, đa số đại biểu đề nghị hai lần mỗi nhiệm kỳ thay vì chỉ một lần như dự thảo. Có vậy mới đánh giá được năng lực cán bộ kịp thời và chuẩn bị nhân sự cho khóa sau. “Mục đích lấy phiếu là nâng cao hiệu lực giám sát của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội phải thể hiện chính kiến của mình ít nhất hai lần”, đại biểu Trương Minh Hoàng bày tỏ.
Nhiều đại biểu đề nghị, khi bỏ phiếu thông qua nghị quyết Quốc hội phải tổ chức thăm dò ý kiến hoặc biểu quyết một số điều còn ý kiến khác nhau hay khác với dự thảo. Nội dung các mức lấy phiếu, dự thảo nên có hai phương án (hai mức và ba mức) để đại biểu lựa chọn. |
Chí Hiếu