Sau khi VnExpress phản ánh tình trạng người nghiện ma túy hoạt động trở lại tại khu vực cầu Tam Bạc và cầu Quay xe lửa, chiều 16/1, thượng tá Cao Hùng, Phó Công an quận Lê Chân, cho biết: "Cơ quan chức năng của quận cũng rất bức xúc, nhưng do quy định đưa người nghiện ma túy đến trung tâm cai bắt buộc quá rườm rà, khó thực thi, trong khi đó người nghiện ma túy không phải là tội phạm nên công an mời về trụ sở làm việc, lập hồ sơ, rồi lại phải thả ra".
Ngoài ra, theo ông Hùng, còn có một số lý do khác, như nhà thầu thi công xong cầu Tam Bạc không hoàn trả lại mặt bằng, vô tình đã biến khu vực gầm cầu thành nơi tụ tập của người nghiện ma túy. Thành phố vẫn chưa giao dứt điểm cho đơn vị nào quản lý khu vực này, dẫn đến việc ngăn chặn, xử lý người nghiện rất khó khăn, mặc dù công an quận đã lập 2 chốt: chốt chính ngay gần địa điểm phức tạp về buôn bán ma túy ở đường tàu và chốt lưu động gần gầm cầu.
Công an quận Lê Chân đã tổ chức đợt truy quét con nghiện ở khu vực cầu Tam Bạc vào cuối năm 2014. Hơn 10 người nghiện hút lang thang đã được đưa về trạm cảnh sát nhân dân đặt trên đường tàu Trần Nguyên Hãn. 4 người có hộ khẩu ở địa bàn được lập hồ sơ bàn giao về cho các phường thuộc quận Lê Chân tiếp nhận, chờ sau khi có hướng dẫn cụ thể sẽ đưa đi cai nghiện. Số còn lại ở các quận, huyện khác công an quận Lê Chân buộc phải thả ra.
Đặc biệt, công an đã bắt giữ Bùi Thị Sơn (36 tuổi, trú tại huyện Thuỷ Nguyên), người cung cấp dụng cụ cho con nghiện sử dụng trái phép chất ma túy tại cầu Tam Bạc. Nhà chức trách cũng xác định Nguyễn Thị Thương (28 tuổi, trú tại huyện Thủy Nguyên) và Trịnh Thị Hồng (tức Tới, 25 tuổi, trú tại quận Hồng Bàng) chuyên giao ma túy cho con nghiện. Thương nghiện ma túy, nhiễm HIV, sống lang thang, để tránh bị pháp luật xử lý chị ta liên tục mang thai. Còn Hồng vừa chấp hành xong án phạt tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Lý giải nguyên nhân phải thả con nghiện, lãnh đạo công an quận Lê Chân cho rằng các địa phương nơi người nghiện đăng ký hộ khẩu thường trú từ chối tiếp nhận. Hơn nữa, Hải Phòng chưa có cơ sở lưu trú tạm thời dành cho người nghiện ma túy trong thời gian chờ phân loại, phán quyết của tòa án. Và Tòa án cũng chưa thành lập được bộ phận chuyên trách thụ lý hồ sơ, ra phán quyết đưa người nghiện vào trại cai bắt buộc.
Hải Phòng có tới hơn 7.000 người nghiện, số vào các trung tâm cai bắt buộc và cai nghiện ngoài cộng đồng chỉ chiếm một phần. Để đáp ứng nhu cầu ma túy cho số con nghiện rất lớn còn lại, có rất nhiều tụ điểm buôn bán đã hình thành. Ngay tại đường tàu gần đầu cầu Quay có một số “boong ke” buôn bán ma túy chưa triệt phá được. Đây là đầu mối cung cấp để cho con nghiện từ các nơi đổ về lén lút mua bán, sử dụng.
“Với các boong ke bán ma túy như công sự thời chiến, việc triệt phá vô cùng khó bởi nhà đối tượng bán ngay sát đường tàu, việc giao dịch qua một lỗ nhỏ, kẻ mua người bán không hề biết mặt nhau. Khi thấy động, các đối tượng sẵn sàng phi tang vật chứng bằng cách cho vào bồn cầu xả nước. Nhiều vụ Công an quận Lê Chân, thậm chí cả Phòng PC47- Công an thành phố biết rõ nhà đó tổ chức bán, mang cả lệnh khám nhà ập vào nhưng đều không thành...”, thượng tá Nguyễn Mạnh Vũ, Đội trưởng Đội phòng chống ma túy quận Lê Chân, cho biết.
Để xóa bỏ tụ điểm hút chích công khai dưới chân cầu Tam Bạc, cầu Quay xe lửa cũng như tại một số địa điểm khác trên địa bàn Hải Phòng, lãnh đạo Công an quận Lê Chân kiến nghị thành phố Hải Phòng giao khu vực gầm cầu Tam Bạc và xung quanh cho một đơn vị cụ thể để quản lý, khai thác, tốt nhất là bàn giao cho UBND phường Cát Dài. Và các cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục đưa người nghiện vào trung tâm cai bắt buộc.
Giang Chinh