Bên hành lang Quốc hội sáng 23/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thể hiện tâm trạng thoải mái khi trò chuyện cùng báo chí. Trả lời câu hỏi của VnExpress về những điều còn trăn trở trong nhiệm kỳ vừa qua, ông không chần chừ đáp: "Tôi không còn điều gì để trăn trở, vì hai nhiệm vụ quan trọng của người lãnh đạo đã hoàn thành".
Ông phân tích, làm người lãnh đạo có hai việc. Thứ nhất là những việc được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao thì phải cố gắng làm cho tốt, làm hết sức, tận tâm, tận lực, rèn luyện để vượt qua chính mình. Thứ hai là chuẩn bị người thay thế mình cho tốt.
"Đời chỉ có hai việc ấy thôi. Tôi thấy cả hai việc ấy tôi đều hoàn thành nhiệm vụ", ông tự nhận xét và bật cười.
* Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng tự nhận xét về nhiệm kỳ của mình |
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng "cuộc sống rất phức tạp, vì vậy người lãnh đạo khi đặt ra kế hoạch phải khả thi, phải thực hiện được, không được viển vông vì viển vông trở thành hứa hão".
Lúc Quốc hội họp thì phải làm sao để chuyển động Chính phủ, chuyển động được hệ thống chính quyền. Tất cả những điều này nhân dân sẽ giám sát, vì tất cả đều công khai. Điều này sẽ giúp dân gần với Quốc hội hơn.
"Mình phải chuyển động vì không phải một ngày một đêm mà tiến lên được. Có làm mới ra lâu đài được, chứ nằm mơ thì làm sao ra lâu đài", ông Hùng nhấn mạnh.
Chia sẻ về kỷ niệm ấn tượng, đáng nhớ nhất trong nhiệm kỳ của mình, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đó là thời gian làm Hiến pháp năm 2013.
"Chúng tôi phải đào sâu suy nghĩ, chắt lọc tinh hoa trí tuệ. Tận 5-7 giờ chiều của ngày làm việc cuối cùng để chuẩn bị sáng hôm sau thông qua thì vẫn còn phải sửa, vẫn phải tiếp thu. Trình ra Quốc hội rồi vẫn phải tiếp thu nữa", ông kể và cho biết, dù còn nhiều điều muốn đưa vào Hiến pháp 2013, Quốc hội vẫn phải chấp nhận theo kiểu đáp ứng 60-70% nhu cầu vì không phải cái gì cũng làm được ngay.
Từng làm Phó thủ tướng trước khi về làm Chủ tịch Quốc hội, ông Hùng cho rằng, cơ quan lập pháp, hành pháp, hay tư pháp thì tất cả đều phải phục vụ nhân dân. Đó là lo được cơm no, áo ấm, học hành, là đời sống vật chất, tinh thần tốt.
"Nếu anh ngồi ở Quốc hội mà không hiểu công việc của Chính phủ và ngược lại, anh ngồi Chính phủ mà không hiểu công việc của Quốc hội thì anh làm sao được. Nhưng chung quy, làm đâu thì làm, anh phải hiểu việc dân, việc của đất nước", ông Hùng nói.
Ở kỳ họp này, lãnh đạo cấp cao khi nhậm chức sẽ phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân và Hiến pháp, tuy nhiên hình thức tuyên thệ thế nào, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho biết Quốc hội đang cân nhắc.
Trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2015, Chủ tịch Quốc hội khẳng định "yếu tố trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn" đã được thể hiện rõ nét trong quyết sách của Quốc hội. Mỗi phát biểu của đại biểu đều xuất phát từ đời sống thường nhật, lấy mục tiêu lo việc của dân để bàn thảo và quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước.
Dù vậy, Quốc hội cũng nhận rõ phần trách nhiệm với những tồn tại, yếu kém của đất nước. Đó là chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng; tái cơ cấu kinh tế chậm; ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Hoạt động giám sát của Quốc hội còn hạn chế. Một số trường hợp chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan, biện pháp xử lý. Việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri chưa đạt yêu cầu.
Ông Nguyễn Sinh Hùng đảm nhận vị trí người đứng đầu Quốc hội từ 2011. Cùng với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông được nhiều đại biểu giới thiệu tái cử tại Đại hội Đảng khóa XII và đã xin rút. Người được giới thiệu thay thế ông là Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Hoàng Thuỳ