Tối 6/5, tiết trời Hà Nội se lạnh. Ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu sáng lung linh. Những ngọn nến được thắp sáng trên tường rào, dọc lối đi từ cổng dẫn vào phòng khách - nơi đặt di ảnh Đại tướng.
Cựu binh Vũ Văn Anh (quê Đông Anh, Hà Nội) miệt mài châm nến khi những cơn gió vẫn vô tình thổi. Ông tỉ mẩn thay từng ngọn bấc cho những cốc nến bị gió thổi tắt.
“Nến cần những cây bấc to hơn để vững vàng trước gió. Tôi đã mua cả cuộn bấc đèn dài, về cắt ngắn cho phù hợp với từng bát nến. Sau khi dùng keo dính 2 sợi lại với nhau, tôi mua ốc về vít chặt. Nhờ có con ốc mà bấc sẽ được định vị, đứng thẳng và không bị ngập trong sáp”, người cựu binh tâm sự.
Thường xuyên chạy xe máy 25 km từ nhà đến tư gia Đại tướng để "chăm sóc ánh sáng", hôm nay, ông sẽ làm việc miệt mài hơn, làm cho khu vườn thật lung linh để chào mừng ngày chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Ông Đỗ Chung Tú (phường Điện Biên) cũng góp phần làm cho ngôi nhà Đại tướng thêm ấn tượng. Đốt những cây nến rồi ngồi tỉ mẩn xếp thành những hình khác nhau, ông nói ngôi sao năm cánh là tượng trưng cho Tổ quốc, 60 là số năm chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ và ngày 7/5 là ngày chiến dịch thành công.
Chắp tay vái vọng Đại tướng cùng với bố, bé Nguyễn Đình Duy (7 tuổi, ở đường Láng) vẫn mặc nguyên đồng phục học trò. Tan học, Duy được bố đưa đi ăn, sau đó “lên thăm cụ Giáp”. Ánh mắt ngây thơ, cậu bé cho biết, những ngày qua được xem nhiều đoạn phim tài liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ, cậu biết thêm nhiều điều về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
“Cô giáo nói rằng nếu không có Đại tướng, chiến dịch Điện Biên Phủ không thể chiến thắng vang dội như thế. Chúng con rất biết ơn cụ Giáp”, cậu bé nói.
Người dân đến viếng Đại tướng trong đêm trước kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ ngày một đông. Họ gửi hoa rồi vào cúi đầu trước anh linh vị tướng của dân tộc. Lặng lẽ đứng trước cổng ngóng vào trong, diễn viên Chiều Xuân đến đây chỉ mong được vái vọng. Nhưng thấy cổng mở rộng, cô trò chuyện với những người lính gác và được mời vào thắp hương cho Đại tướng.
“Những bình hoa vàng được thay mới, ánh sáng ngập tràn lối đi, tôi thấy rất bồi hồi. Bố chồng tôi (nhạc sĩ Đỗ Nhuận) từng sáng tác rất nhiều ca khúc về Điện Biên trong đó có bài Trên đồi Him Lam, Giải phóng Điện Biên. Chồng tôi từng được Đại tướng chỉ bảo rất nhiều. Chúng tôi có những kỷ niệm đặc biệt với Điện Biên”, nữ diễn viên chia sẻ.
Được một người dân bắt nhịp, hàng chục thanh niên tình nguyện của tỉnh Nam Định cùng hát vang ca khúc Giải phóng Điện Biên, Qua miền Tây Bắc, Sáng mãi Điện Biên… Không khí trong khu vườn ở tư gia Đại tướng lại càng trở nên sôi động hơn.
Trực tiếp cùng các con, cháu ra cổng tiếp đón người dân, ông Võ Điện Biên, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp tự tay chỉnh những cây nến để các hình xếp được đẹp hơn. Cảm ơn tấm lòng người dân đã dành cho Đại tướng, ông mời từng đoàn vào thắp hương cho cha.
“Đây là lần đầu tiên kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ mà không có Đại tướng. Các bạn đến đây với Đại tướng cần nhớ tới tất cả liệt sĩ đã hy sinh không chỉ ở chiến dịch Điện Biên Phủ mà cả trong cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ, cuộc chiến ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc”, ông Võ Điện Biên chia sẻ.
Người con trai cả mang tên địa danh lừng lẫy năm châu phân tích: Điện Biên Phủ cách đây 60 năm còn rất khốc liệt và nhiều hy sinh. Chiều hôm trước nổ xong bộc phá ở đồi A1, quân ta bị địch phản công rất ác liệt. Không ai nghĩ là chiều hôm sau có thể chiến thắng. Trong một đợt bị tấn công, đồi A1 có 300 chiến sĩ hy sinh. 18 năm sau, 81 đại đội ở Quảng Trị cũng ngã xuống dưới họng súng quân thù. 12 năm sau nữa, ở Vị Xuyên, chỉ trong 3 giờ, 600 chiến sĩ ta đã hy sinh. Chiến tranh Tây Nam, Phía Bắc cũng có rất nhiều tổn thất.
"Mình đã trả giá đắt trong hàng nghìn năm. Những hy sinh đó làm đất nước kém phát triển, nhưng khi tiếp xúc với bất cứ một nước nào chúng ta đều có những điểm đáng tự hào, đó là sự đóng góp cho sự phát triển của văn minh nhân loại, rằng cái thiện đã thắng cái ác và khẳng định giá trị, nhân phẩm con người phải được tôn trọng", ông Võ Điện Biên nói và dặn dò lớp trẻ phải nhận thức được rằng ông bà, tổ tiên và tất cả những liệt sĩ vẫn đồng hành cùng với đất nước.
“Tôi thấy tin tưởng vào tương lai khi các bạn vẫn rất yêu Sử, vẫn là những sinh viên tốt. Cha tôi khi còn sống cũng luôn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, những người chủ tương lai của đất nước”, ông Biên nói.
23h đêm, nhiều người vẫn mang hoa, hương đến gửi bảo vệ đặt trước ban thờ Đại tướng. Tấp xe máy vào lề đường, đôi vợ chồng đã gần 70 tuổi hướng ánh mắt vào trong. Phòng làm việc của Đại tướng vẫn sáng đèn, ngăn nắp. Những ngọn nến vẫn lung linh suốt dọc đường đi.
Ảnh: Nhà riêng Đại tướng lung linh ánh nến
Hoàng Thùy