Ngày 30/4, tại Kỳ đài Hiền Lương (thuộc khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải), tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ thượng cờ và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt với các địa danh đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Thành cổ Quảng Trị.
Cầu Hiền Lương được Pháp xây dựng năm 1952, nối liền hai bờ sông Bến Hải giữa huyện Vĩnh Linh và Gio Linh. Theo Hiệp định Genève 1954, Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 với con sông Bến Hải làm ranh giới. Cũng từ đây, cầu trở thành chứng tích lịch sử của 20 năm chia cắt đất nước.
Đến nay, di tích cầu Hiền Lương được phục chế với cổng chào, nhà liên hiệp, đồn công an giới tuyến, tháp canh... Tháng 3/2014, cầu Hiền Lương được phục chế nguyên trạng 2 màu sơn xanh và vàng, như từng tồn tại trong lịch sử.
Thành cổ Quảng Trị và những điểm lưu giữ dấu ấn sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị nằm trên địa bàn các huyện thị Quảng Trị, Hải Lăng và Triệu Phong. Năm 1809, vua Gia Long quyết định xây dựng thành Quảng Trị trên một khu đất cao tại xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng (ngày nay thuộc thị xã Quảng Trị).
Xuyên suốt lịch sử tồn tại cho đến khi bị tàn phá nặng nề vào mùa hè đỏ lửa 1972, Thành cổ Quảng Trị luôn được coi là vị trí quan yếu qua các thời kỳ. 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị bắt đầu từ 28/6 đến 16/9/1972, là cuộc đối đầu cam go, ác liệt với nhiều hy sinh, mất mát của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam.
Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Thành cổ Quảng Trị trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất đất nước.
Quang Hà