Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết, năm ngoái số lượng trẻ mắc sởi không nhiều, 3 tháng cuối năm chỉ có 2 ca, nhưng tháng 1/2014 đã có 67 trẻ nhập viện vì sởi có biến chứng. Trong mấy ngày đầu tháng 2 cũng có 80 bệnh nhân. Hiện khoa vẫn còn 48 trẻ điều trị phát ban sởi kèm sốt cao, viêm phổi, suy hô hấp. Bệnh nhân tập trung nhiều nhất ở Hà Nội, tiếp đó là Yên Bái, Phú Thọ, Nam Định...
"Tong mấy năm trở lại đây dịch sởi tạm lắng, nhưng 2 tháng đầu năm đã bùng phát. Ghi nhận ban đầu cho thấy, bệnh xảy ra hầu hết ở những trẻ chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đầy đủ. Trong số hơn 100 trẻ ở khoa, ca nhỏ tuổi nhất là 2,5 tháng, lớn nhất là 8 tuổi", bác sĩ Lâm nói.
Theo bác sĩ Lâm, điều bất thường trong dịch sởi này là nhiều trẻ dưới 9 tháng mắc, trong khi trẻ ở độ tuổi này thường có miễn dịch từ mẹ (truyền qua sữa mẹ). Vì thế, trẻ mắc sởi có thể là do mẹ chưa có miễn dịch (chưa được tiêm, chưa từng mắc sởi) hoặc tiêm chưa đầy đủ nên miễn dịch chưa đủ để bảo vệ trẻ. Ở độ tuổi này, ban sởi không điển hình, chăm sóc khó khăn, trẻ dễ bị bội nhiễm.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (Hà Nội) cũng cho rằng, đây là điều đáng suy nghĩ. Hiện nay theo lịch tiêm chủng mở rộng thì trẻ được tiêm sởi mũi 1 khi đủ 9 tháng tuổi. Các nghiên cứu trên quần thể lớn cho thấy, phần lớn trẻ dưới 9 tháng vẫn có miễn dịch của mẹ truyền cho và vẫn có khả năng bảo vệ, chỉ có số ít là không đảm bảo. Vì thế, nếu mẹ không có miễn dịch hoặc có nhưng trẻ không được bú mẹ thì cũng không được bảo vệ.
Bên cạnh đó, theo ông Cảm, một phần nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát trở lại là do thời gian qua có một tỷ lệ nhất định bà mẹ không đưa con đi tiêm chủng vì sợ các tai biến liên quan đến vắcxin. Trong số 40 trẻ được khẳng định chắc chắn mắc sởi thì có 31 trẻ trên 1 tuổi - thuộc diện phải tiêm ngừa nhưng chưa được tiêm.
Vì thế, ông Cảm khuyến cáo tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng, chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn. Với những trẻ dưới 9 tháng, cha mẹ không nên cho trẻ tiếp xúc với những người sốt phát ban nghi sởi để tránh lây lan, tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.
Bác sĩ Lâm cũng cho biết, nếu trẻ có biểu hiện sốt; phát ban dạng sởi, bắt đầu từ mặt sau đó lan dần xuống dưới chân, tay; kèm theo viếm kết mạc mắt; viêm long đường hô hấp thì cha mẹ nên nghĩ đến bệnh sởi. Khi đó không nhất phải đưa trẻ đến bệnh viện mà cách ly ở nhà; chăm sóc, dinh dưỡng thật tốt; hạ sốt, nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa.
Nếu bé sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, có viêm phổi, suy hô hấp... thì nên đưa đến bệnh viện để tránh biến chứng; nếu cần dùng kháng sinh thì tuyệt đối tuân theo sự chỉ định của bác sĩ. Nguyên nhân gây bệnh là do virus, vì thế kháng sinh không thể trị bệnh mà được chỉ định khi có biến chứng bội nhiễm vi khuẩn. Bên cạnh đó, theo ông Lâm, cũng không nên kiêng khem quá mức- không tắm rửa cho bé, không tự ý dùng thuốc đông y...
Sở là bệnh lành tính, tùy từng bệnh nhân mà diễn biến nặng hay nhẹ. Trường hợp biến chứng viêm phổi nhẹ thì chỉ điều trị 3-5 ngày; trẻ bị viêm phổi nặng suy hô hấp thì có thể nằm viện 2 tuần.
Nam Phương