Hiện tượng cá chết hàng loạt ở vùng cửa sông Lạch Bạng, xã Hải Thanh, được ghi nhận cách đây hai ngày. Đỉnh điểm vào sáng 7/5, nhiều tấn cá chết được người dân vớt lên bờ. Chứng kiến cảnh cá phơi bụng trắng lồng, nhiều chủ hộ không cầm được nước mắt.
Ông Đặng Văn Tý (56 tuổi, ở thôn Thanh Đình, xã Hải Thanh) cho hay, gia đình có 4 lồng cá, chia làm 34 ô nuôi nhỏ. Khoảng 8h ngày 5/5 cá bắt đầu chết. “Ban đầu cá ngoi ngược lên mặt nước, sau đó yếu dần rồi chết ngửa bụng trắng xóa cả ô nuôi”, ông Tý nói.
Các hộ nuôi kế bên như hộ ông Nguyễn Đình Sơn, Lê Văn Huân, Bùi Bá Sơn cá cũng chết hàng loạt, chủ yếu gồm cá bớp, mú, hồng Mỹ và cá vược. Cá chết ở hai giai đoạn sinh trưởng là cá giống và cá thịt chuẩn bị thu hoạch (cân nặng 2-4 kg mỗi con).
Ông Tý có khoảng 3-4 tấn cá bị chết hai ngày qua. Với giá bán 150.000-250.000 đồng/kg, gia đình ông thiệt hại gần 600 triệu đồng. Hộ ông Lê Văn Huân cũng có khoảng 3 tấn cá chết, ước thiệt hại 500 triệu đồng. Hộ ông Bùi Bá Sơn có 1,5 tấn; ông Nguyễn Đình Sơn có 2,5 tấn cá chết...
Theo số liệu người dân cung cấp thì số cá chết tại 4 hộ nuôi của xã Hải Thanh kể trên khoảng 11 tấn, thiệt hại 1,8 tỷ đồng.
Chiều 7/5, ông Đỗ Xuân Chung, Chủ tịch xã Hải Thanh cho biết, địa phương đang phối hợp với ngành chức năng tìm nguyên nhân cá chết bất thường trên sông Lạch Bạng. Tuy nhiên, số lượng cá chết qua kiểm tra không nhiều như người dân khai báo.
Về nguyên nhân cá chết bất thường, các hộ dân nuôi đều khẳng định do Nhà máy chế biến Hải sản Lạch Bạng (thuộc Công ty cổ phần bột cá Thanh Hóa) xả nước thải trực tiếp ra sông, gây ô nhiễm nguồn nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch xã Hải Thanh Đỗ Xuân Chung cho rằng, chưa thể khẳng định do nước thải của Nhà máy chế biến Hải sản Lạch Bạng. “Nguyên nhân chỉ có thể được làm rõ khi có kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng”, ông Chung nói.
Giám đốc Nhà máy chế biến hải sản Lạch Bạng, ông Đới Sỹ Quế khẳng định, mọi hoạt động của nhà máy đều tuân thủ quy định pháp luật. “Người dân nói cá chết do nước thải của nhà máy, tôi không thể khẳng định người dân nói đúng hoặc sai lúc này. Chúng ta phải chờ kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng”, ông Quế nói thêm.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, mỗi ngày nhà máy chế biến khoảng 100 tấn cá tươi thành bột cá thương phẩm. Cơ sở sản xuất này có hệ thống xử lý nước thải và được dẫn ra sông Lạch Bạng.
Liên quan vụ việc, trao đổi với VnExpress, ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa), cho biết cơ quan này đang phối hợp với chính quyền địa phương lấy mẫu nước tìm nguyên nhân, hiện chưa có kết quả chính thức.
Không riêng sông Lạch Bạng, ba ngày nay cá trên sông Bưởi đoạn chảy qua huyện Thạch Thành cũng chết hàng loạt. Thống kê sơ bộ, đến sáng 7/5 đã có khoảng 14 tấn cá lồng nuôi của người dân bị chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Bước đầu, nhà chức trách xác định, "thủ phạm" gây ra hiện tượng cá chết trên sông Bưởi là Công ty CP mía đường Hòa Bình (có trụ sở đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) xả thải bẩn ra môi trường.
Lê Hoàng