Trao đổi với VnExpress sáng 6/2, người phát ngôn Bộ Văn hóa cho biết, đến nay Bộ vẫn chưa nhận được văn bản đề xuất dừng lễ hội chém lợn từ Tổ chức Động vật châu Á để có sự hồi đáp. Quan điểm của Bộ Văn hóa trước khuyến cáo này là không ủng hộ lễ hội mang tính bạo lực vì văn hóa Việt Nam rất nhân văn, nhân đạo, hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ.
Ông Tân chia sẻ, bản thân không bao giờ có thể xem được nghi thức chém lợn với máu me be bét khiến trẻ con khóc thét, người yếu tim xem có khi còn đột quỵ. Những hủ tục không mang lại giá trị phát triển thì không nên bảo thủ giữ lại. "Đừng lấy lý do truyền thống của cộng đồng. Cộng đồng của làng chém lợn có lớn bằng cộng đồng còn lại không? Theo dõi phản ứng của dư luận qua các báo, tôi thấy phần đa độc giả phản đối lễ hội chém lợn. Một số người dân và nhà nghiên cứu ủng hộ duy trì nghi thức đó là có tư duy bảo thủ", ông Tân nói.
Người phát ngôn Bộ Văn hóa dẫn ra một số tục lệ truyền thống tốt đẹp, không ảnh hưởng đến ai, như nhuộm răng đen của phụ nữ thời xưa bây giờ chẳng ai làm vì vừa rườm rà, vừa không phù hợp với xã hội hiện đại. Lễ hội đấu bò tót của Tây Ban Nha đã có truyền thống 2.000 năm, mang lại giá trị du lịch lớn, nhưng hội đồng thành phố nơi diễn ra lễ hội đó năm 2012 quyết định cho dừng khi thấy không còn phù hợp. "Những lễ hội đã trở thành đặc thù văn hóa có giá trị lớn với du lịch thế giới còn bị chấm dứt thì tục chém lợn của Việt Nam cũng phải cân nhắc", ông Tân khẳng định.
Trước một số ý kiến cho rằng Tổ chức Động vật châu Á đề xuất dừng lễ hội chém lợn là "áp đặt văn hóa", người phát ngôn Bộ Văn hóa nhìn nhận: "Đừng bảo thủ nghĩ đây là áp đặt của phương Tây cho văn hóa Việt Nam. Phương Tây có những chuẩn mực ta cần học hỏi và Việt Nam cũng có những giá trị phải bảo tồn vì tôn trọng sự đa dạng văn hóa". Theo ông, Việt Nam muốn là thành viên đầy đủ của cộng đồng các quốc gia thì phải tôn trọng sự góp ý chân thành để phát triển. Điều này không đồng nghĩa với việc ai nói gì cũng nghe mà tiếp thu có chọn lọc, dựa trên tính đúng đắn và giá trị của lễ hội/nghi thức mang lại.
Một số lễ hội gây tranh cãi về tính bạo lực khác như: chọi trâu Đồ Sơn, ăn trâu Tây Nguyên, ông Tân cho biết Bộ Văn hóa không bao giờ khuyến khích. Lễ hội chọi trâu đã thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, quan điểm là tôn trọng truyền thống nhưng cần xem xét lại cách hành xử với công cụ lao động của mình, đặc biệt Việt Nam là nước nông nghiệp, coi "con trâu là đầu cơ nghiệp".
"Để tiêu khiển chúng ta có nhiều cách và nên chọn cách nào nhân văn, phù hợp. Con trâu thắng hay thua đều bị mổ thịt, tức là ánh hào quang của ai đó sẽ thành món xơi của người khác. Nếu hiểu mỗi con vật, mỗi cây cối có đời sống riêng thì sao ta lại đối xử với con vật tàn ác như thế", ông Tân chia sẻ.
Người phát ngôn Bộ Văn hóa một lần nữa khẳng định Bộ không bao giờ ủng hộ các lễ hội mang tính tàn bạo, hủ tục lạc hậu. Lễ hội phải hướng đến văn minh, giá trị của văn hóa chứ không phải là những thói quen trở thành hủ tục cản trở sự phát triển của nhân loại. Bộ Văn hóa đã tham mưu cho Ban bí thư ra chỉ thị về quản lý lễ hội để đảm bảo tính bảo tồn, phát triển, phù hợp của lễ hội với xã hội văn minh ngày nay.
Năm 2013, Tổ chức Động vật châu Á đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kêu gọi chấm dứt lễ hội chém lợn. Mới nhất, ngày 27/1 Tổ chức Động vật châu Á đã phát động chiến dịch cùng ký tên kêu gọi cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh và Bộ Thông tin Truyền thông ban hành quy định chấm dứt lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, huyện Tiên Du (nay là Khu phố Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh), tỉnh Bắc Ninh. Theo tổ chức này, việc chém những con lợn đang sống khỏe mạnh là lối đối xử tàn ác với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người, đặc biệt là trẻ em. Đây lần thứ ba Tổ chức Động vật châu Á lên tiếng phản đối tục chém lợn ở Bắc Ninh. |
Quỳnh Trang