Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 28/5, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói, cá nhân ông mong muốn luật Biểu tình sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay để có thể thực hiện vào năm 2015.
Lý do ủng hộ sớm có luật này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường lập luận, về nguyên tắc, biểu tình là quyền cơ bản của người dân đã được quy định trong Hiến pháp vì vậy không thể để treo mãi. Hiến pháp quy định đây là quyền con người, quyền công dân nên nếu có bị hạn chế thì phải hạn chế bằng Luật chứ không thể bằng nghị định của Chính phủ được. "Không phải cái gì biểu tình cũng sai. Có luật là để quản lý, để không xảy ra hậu quả như vừa qua", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường. Ảnh: Chí Hiếu. |
Sáng 28/5, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên họp tiếp thu ý kiến đại biểu về điều chỉnh chương trình xây dựng luật và pháp lệnh. Tổng hợp thảo luận tại tổ cho thấy, 23 đại biểu Quốc hội ủng hộ phải “đẩy” dự luật này lên càng sớm càng tốt.
Trong phần thảo luận tổ trước đó, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) bày tỏ, trước việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam, nhu cầu thể hiện thái độ của người dân rất lớn.
Cùng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thành Đạt cho rằng, bối cảnh về tình hình Biển Đông hiện nay, người dân, đặc biệt là công nhân, sinh viên rất bức xúc. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý nên đội ngũ này có điều kiện để biểu hiện lòng yêu nước văn minh, trật tự. Tuy nhiên, nếu tình hình căng thẳng hơn sẽ rất khó để đặt những hoạt động đó trong vòng kiểm soát.
“Phải sớm ra đời Luật biểu tình. Hiện có gần 2 triệu sinh viên, với tinh thần yêu nước của các em, nếu không có luật rất khó khăn để phân định được cái nào đúng, cái nào sai”, đại biểu Đạt nhấn mạnh.
Dự kiến, Ủy ban Pháp luật sẽ báo cáo Đảng đoàn Quốc hội về nội dung điều chỉnh Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội để cơ quan này xin ý kiến Bộ Chính trị.
Người đứng đầu ngành Tư pháp cũng thông tin thêm, dù thường trực Chính phủ chưa thảo luận riêng song không ít lần vấn đề này được các thành viên xới lên và Chính phủ đã thành lập Ban soạn thảo. “Có luật thì chúng ta sẽ có hành lang pháp lý để quản lý tốt việc biểu thị ý kiến của người dân, cũng là thể hiện một bước tiến dân chủ trong xã hội”, Bộ trưởng nói.
Theo nghị trình, chiều 30/5, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về chương trình xây dựng luật và pháp lênh.
Chí Hiếu