Là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình được yêu cầu làm rõ vấn đề cải cách hành chính, chất lượng nền công vụ, giải pháp thực hiện đề án tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng cấp phó quá nhiều ở các cơ quan trung ương...Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính, Thanh tra Chính phủ tham gia giải trình, làm rõ thêm những nội dung liên quan.
Thi tuyển công chức chưa công bằng
Đại biểu Cao Thị Xuân mở đầu phiên chất vấn với băn khoăn về vấn đề thi tuyển công chức. Theo bà Xuân, gần đây, hoạt động này có nhiều tiêu cực gây bức xúc cho nhân dân, đặc biệt là vụ lùm xùm thi tuyển công chức tại Bộ Công thương. "Bộ Nội vụ ra quyết định thanh tra toàn diện về thi tuyển công chức, quản lý biên chế tại Bộ Công Thương trong thời gian 45 ngày. Vậy kết quả thanh tra và hướng xử lý sai phạm, cũng như trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong vấn đề này như thế nào", bà đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết căn cứ vào luật cán bộ công chức, viên chức, các thông tư hướng dẫn thì công tác thi tuyển, thi nâng ngạch gồm có ba môn thi. Đó là kiến thức chung, kiến thức chuyên ngành (môn chính), và Tin học - Ngoại ngữ (môn điều kiện). Quá trình tổ chức thi, Bộ Nội vụ chủ trì biên soạn, hướng dẫn về quy định tiêu chuẩn, thủ tục, tổ chức thi. Để đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, Bộ kết hợp với một số Bộ ngành, địa phương triển khai thi một số môn trên máy vi tính, góp phần hạn chế tiêu cực trong thi đầu vào.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bình cũng thừa nhận, ở một số địa phương vẫn còn tồn tại những tiêu cực, nhưng việc thi tuyển cán bộ công chức thuộc thẩm quyền của Bộ, tỉnh, còn thi tuyển viên chức thì Bộ, tỉnh, thành phố có thể phân xuống trực tiếp cho các đơn vị sử dụng. Những địa phương nào có sai sót, Bộ tổ chức đoàn phối hợp với các Sở Nội vụ, Vụ tổ chức cán bộ các nơi chỉ ra sai sót để kiến nghị khắc phục, sửa đổi. Vừa qua một số địa phương, đơn vị đã có xử lý kỷ luật trường hợp vi phạm.
"Việc ở Bộ Công thương là thanh tra đột xuất, lấy mốc từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa 13, không chỉ thanh tra riêng Cục quản lý thị trường mà tất cả đơn vị trực thuộc nên đang trong giai đoạn hoàn thành hồ sơ để trao đổi, thống nhất và ban hành kết luận thanh tra. Do quy mô, đối tượng và phạm vi rộng nên chưa thể thực hiện theo quy định 45 ngày mà phải gia hạn để thanh tra", Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình lý giải.
Lạm phát cấp phó
Trước thực trạng "lạm phát" cấp phó kéo dài, đại biểu Bùi Thị An yêu cầu Bộ Nội vụ giải trình nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Bộ trưởng Bình cho biết, hiện nay chưa có quy định cứng mà có tính chất cơ động. Trong đó, Bộ, cơ quan ngang bộ có 4 thứ trưởng. Nếu Bộ muốn tăng số lượng thứ trưởng phải do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Bộ Nội vụ nhiều lần kiến nghị lên ban cán sự Đảng của Chính phủ đề nghị nên có quy định cứng về số lượng Thứ trưởng. Tuy nhiên, đề nghị này khi đưa ra ban cán sự Đảng của Chính phủ để bỏ phiếu thì không quá bán (dưới 50%). Vì vậy, Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ phải trao đổi với các bộ. Bộ Nội vụ đề nghị số lượng thứ trưởng ít, nhưng các Bộ đề nghị số lượng thứ trưởng nhiều nên chưa thống nhất được.
"Tôi đồng ý bổ nhiệm nhiều cấp phó gây lãng phí ngân sách và không được đồng thuận của xã hội. Vì vậy cần có quy định cứng", Bộ trưởng nói.
Theo thống kê, cấp Bộ quy định có 4 thứ trưởng, nhưng thực tế bình quân là 5,4 thứ trưởng. Cấp tổng cục quy định 3 cấp phó nhưng bình quân 3,69 cấp phó. Cấp Vụ quy định 3 cấp phó nhưng thực tế có 3,04 cấp phó và Sở quy định 3 nhưng cũng có trung bình 3,06 cấp phó.
Nguyên nhân của hiện trạng này, theo Bộ trưởng Nội vụ là do sức ép công việc, họp hành nhiều. Có những cuộc họp không phân công cấp phó đi thì không cho tham dự. Do đặc thù một số ngành, cũng cần cấp phó để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. "Bộ Nội vụ khi tôi về làm Bộ trưởng có 6 thứ trưởng, sau này là 7 nhưng giờ chỉ 4", Bộ trưởng Bình phát biểu.
"Chúng tôi thừa nhận, có một số cơ quan tổ chức có quá nhiều cấp phó không thực sự xuất phát từ nhu cầu. Thậm chí là bổ nhiệm vì một số lý do nào đó", ông Bình cho hay.
Công tác cán bộ lại thuộc thẩm quyền của tỉnh quyết định. Vì vậy, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện có thiếu sót cũng chỉ có kiến nghị, đề nghị, nếu không được thực hiện thì báo cáo Thủ tướng để có hướng xử lý. Việc bổ nhiệm cán bộ có một số trường hợp thiếu tính gương mẫu, tập thể cán bộ thiếu tính chiến đấu, thực hiện các quy định không nghiêm.
Bộ trưởng Bình cho biết, giải pháp mà Bộ Nội vụ đưa ra là phải xây dựng quy định cứng để dựa vào đó thực hiện, nơi nào vượt thì tự cân đối. Đồng thời, có đề án nghiên cứu tổng hợp trong toàn bộ hệ thống chính trị. Từ đó, có thể tính toàn cấp phó cho phù hợp. Còn các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ, thuộc địa phương đã được điều chỉnh hợp lý.
Nhiều cơ quan sáng tạo chức danh "hàm vụ trưởng", "hàm vụ phó"
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) cũng nêu vấn đề người dân băn khoăn trong hệ thống chức danh cán bộ gần đây xuất hiện chức danh “hàm”. Ông Hùng đề nghị Bộ trưởng có cho biết tiêu chuẩn chức năng, vai trò nhiệm vụ chức danh này trong bộ máy hành chính và liệu có “hàm giám đốc” hay “hàm trưởng phòng” không?
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, hiện nay trong các văn bản quy định của Đảng và Nhà nước về bổ nhiệm cán bộ không có quy định nào về “hàm”, tuy nhiên thực tế tại nhiều cơ quan trung ương có nhiều vận dụng cho hưởng chế độ chức danh “hàm” đối với cán bộ công chức, viên chức. Ngày 11/6, Bộ Nội vụ đã công văn gửi các bộ ngành đề nghị cung cấp danh sách công chức viên chức được vận dụng cho hưởng chế độ “hàm” từ cấp phòng trở lên.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của 18 bộ, cơ quan ngang bộ và 7 cơ quan của Chính phủ thì hiện có 329 công chức, viên chức đang hưởng chế độ “hàm”, chức danh lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên. Số lượng hưởng chế độ “hàm Vụ trưởng” là 96 người; hưởng chế độ "hàm Phó vụ trưởng" là 150 người; Hưởng chế độ “hàm Trưởng phòng” là 76; Hưởng chế độ “hàm phó phòng” là 17.
"Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động trong vấn đề bố trí cán bộ, tuy nhiên qua rà soát thì phát hiện một số bộ ngành ban hành cả quy chế bổ nhiệm hàm. Tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã thành lập một tổ công tác do một Thứ trưởng phụ trách để nghiên cứu về vấn đề này. Trên cơ sở nghiên cứu sẽ có đánh giá giữa lý luận và thực tiễn, nếu “hàm” cần giữ phải đưa vào quy định của pháp luật, nhưng thời gian ngắn quá nên cần phải có thời gian để xử lý”, ông Bình cho hay.
Cán bộ kém năng lực muốn làm lãnh đạo
Đại biểu Đỗ Văn Đương nêu bức xúc của dư luận khi người có năng lực không vào, mà vào rồi lại đi khỏi khu vực nhà nước ngày càng nhiều, ngược lại người kém năng lực vào nhà nước ngày càng nhiều, vì vậy số người sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về càng nhiều.
"Tại sao số kém năng lực lười nhác ngày càng nhiều, số kém năng lực muốn làm lãnh đạo càng lớn, nguyên nhân là do đâu, giải pháp đột phá để giải quyết là gì và đây có phải là nguyên nhân gây tham nhũng hay không?", ông Đương đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận thực trạng việc sử dụng cán bộ công chức, viên chức hiện chưa đúng với năng lực của từng người, cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm, chế độ đánh giá chưa đổi mới gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, chế độ tiền lương chậm được cải thiện, đầu vào chưa thực sự tuyển được người có năng lực, tâm huyết.
Các giải pháp Bộ đưa ra là đổi mới cơ chế đánh giá theo hướng cấp trên đánh giá cấp dưới, sử dụng người có năng lực vào làm nhiệm vụ. Ông Bình cho biết, Bộ Nội vụ được Bộ Chính trị giao xây dựng đề án về sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo tuyển được 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc vào cơ quan của đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang.
Các giải pháp về miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác với người không đáp ứng nhu cầu công việc cũng được thực hiện. "Nghị định về tinh giản biên chế có thể triển khai ngay đầu năm 2015. Cách đây vài ngày, Bộ Chính trị đã thông qua. Chúng tôi đang hoàn thiện để kỳ họp tới có thể trình lên trung ương", Bộ trưởng Bình nói và cho hay, trong đề án này có nhiều giải pháp mạnh, hy vọng tinh giản biên chế sẽ đạt yêu cầu, mong muốn của nhân dân.
Một bộ phận cán bộ rất vô cảm
Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sĩ Cương về bệnh vô cảm của đội ngũ cán bộ công chức viên chức, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận có tình trạng này và cho rằng cán bộ công chức, viên chức cơ quan công quyền cần có sự đồng cảm, tự đặt mình vào vị trí người dân. Tuy nhiên, tình hình thực tế rất khó, bởi "vô cảm" thuộc phạm trù đạo đức, mà trong luật chỉ điều chỉnh ở mức độ cấm cái này, cái kia.
Để giải quyết vấn đề trên, Bộ trưởng Bình cho rằng, cán bộ công chức cần ý thức trách nhiệm cao trong công việc, thực hiện đầy đủ chức trách. Pháp luật cũng có quy định cấm công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu, hách dịch nhân dân. Thực hiện nghiêm quy định đó của pháp luật là chống lại bệnh vô cảm.
"Như tôi đã nói ở trên, vô cảm là phạm trù đạo đức nên cần tăng cường giáo dục, chính trị tư tưởng, đặc biệt là học tập tấm gương đạo đức của Bác, tu dưỡng phẩm chất đạo đức nâng cao trình độ năng lực thì tôi tin chắc sẽ chống được bệnh vô cảm của một số cán bộ công chức viên chức", Bộ trưởng nói.
Công khai danh sách cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ
Trả lời băn khoăn của đại biểu Triệu Thị Thu Phương về việc đánh giá cán bộ, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết năm 2014 chưa có số liệu tổng kết vì thông thường ngày 31/12 mới kết thúc năm, nên các cấp mới tiến hành tổng hợp. Tuy nhiên, số liệu năm 2013 đã tổng hợp tương đối đầy đủ, theo đó, cán bộ công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hơn 34,3%, hoàn thành tốt là 58,08%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế năng lực là 4,94%, và không hoàn thành nhiệm vụ 0,46%. Tỷ lệ viên chức hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc là 34,49%, tốt 50,14% và hoàn thành nhiệm vụ là 8,06%, không hoàn thành nhiệm vụ 0,24%.
Có 23 bộ ngành địa phương báo cáo không có công chức nào không hoàn thành nhiệm vụ. Còn ở các Bộ ngành trung ương, có hai đơn vị báo cáo có công chức không hoàn thành nhiệm vụ...
Như vậy, khi dư luận quan tâm đến việc đánh giá cán bộ, Bộ Nội vụ đã xây dựng nghị định đánh giá xếp loại công chức hàng năm. Tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, lấy Bộ Nội vụ làm thí điểm để có đánh giá. Qua thực tiễn, Bộ Nội vụ nhận thấy chất lượng cán bộ trong từng cơ quan chưa đồng đều, bố trí phân công công tác chưa cụ thể, rõ ràng. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa sử dụng thường xuyên cơ chế theo dõi, giám sát để đánh giá.
"Tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ công chức chưa cao, còn tồn tại dĩ hòa vi quý, nể nang, sợ động chạm. Người tự nhận xét thì không trung thực, không dám tự nhận mình yếu kém, chưa hoàn thành nhiệm vụ. Có những nơi phải làm lại 5 lần đánh giá mới chỉ ra được người chưa hoàn thành nhiệm vụ", Bộ trưởng Bình cho hay.
Các phương hướng để giải quyết tình trạng trên được Bộ Nội vụ thực hiện là nâng cao chất lượng, nhận thức của cán bộ, người đứng đầu phải làm gương, và thực hiện nêu gương người tốt, việc tốt. Việc đánh giá này, theo Bộ trưởng Bình, phải đặt dưới sự lãnh đạo của ban cán sự đảng và người đứng đầu.
Một giải pháp nữa cũng được Bộ Nội vụ đặt ra là hoàn thiện thể chế công chức, viên chức, đồng thời các Bộ, ngành khẩn trương xác định vị trí việc làm, xây dựng cơ cấu công chức hợp lý, định ra biên chế phù hợp. Các cơ quan sử dụng công chức phải phân công nhiệm vụ, lượng hóa công việc rõ ràng để dễ đánh giá, phân loại. Người đứng đầu phải quyết đoán trong việc chỉ ra người không hoàn thành nhiệm vụ và tăng cường công tác thanh tra, giám sát, có quy định khen thưởng.
"Việc công bố chỉ số cải cách hành chính hàng năm đã có tác động rất lớn. Chúng tôi sẽ xin ý kiến Thủ tướng, Chính phủ để công khai những cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Bởi nếu cứ bí mật bên trong thì quýt làm, cam chịu. Với cách làm này, người đứng đầu sẽ thấy được trách nhiệm của mình, từ đó có sự chuyển biến tích cực", ông Bình nói.
Hoàng Thùy - Hương Thu