Sau việc con trăn gấm hơn 30 kg bị người dân vây bắt và giết thịt trưa 10/12 khi nuốt trọn bê con ở khu vực rừng Già, xã Quế Thọ (Hiệp Đức, Quảng Nam), tranh cãi về việc ứng xử thế nào với đàn trăn đã nổ ra.
Trăn quý hiếm, cần bảo tồn
Khẳng định trăn gấm nằm trong Sách đỏ Việt Nam, thuộc nhóm 1B nghiêm cấm khai thác, sử dụng, săn bắt, buôn bán trái phép, các chuyên gia bảo tồn dẫn ra nghị định 32 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Theo đó, nếu phát hiện động vật hung dữ xâm hại, đe dọa đến tính mạng, tài sản, người dân phải tổ chức xua đuổi, không được gây tổn thương chúng. Trường hợp xua đuổi không có kết quả thì cần báo lực lượng kiểm lâm và giới chức để có biện pháp xử lý, chứ không được truy bắt.
"Nếu phát hiện trăn, người dân cần báo cho lực lượng chức năng gần nhất, như kiểm lâm vùng. Họ có thể giữ nguyên trạng tự nhiên hoặc đưa trăn về trung tâm bảo tồn", ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp) nói và cho rằng chỉ khi con trăn tấn công, đe dọa đến tính mạng thì lúc đó con người mới cần phòng vệ chính đáng.
Đồng tình quan điểm trên, giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật, cho rằng người dân cần báo chính quyền địa phương khi phát hiện con trăn, trừ tình huống quá nguy hiểm, buộc phải tự vệ. Hiện số lượng trăn trong tự nhiên rất ít, chủ yếu là trăn được gây nuôi. Số lượng loài giảm do bị mất sinh cảnh sống và bị săn bắn nhiều để làm dược liệu và những vật dụng công nghiệp khác.
Sẵn sàng giao nộp trăn, nhưng cần được hỗ trợ
Người dân sống xung quanh chân núi ở khu vực rừng Già, thuộc các xã Quế Thọ (huyện Hiệp Đức) và Quế Phong, Quế An (huyện Quế Sơn) cho rằng không biết trăn gấm thuộc Sách đỏ và quý hiếm đến như vậy. “Trăn quá nhiều, nếu chúng tôi không bắt thì nó có thể tấn công gia súc, khiến các chủ trang trại tán gia bại sản”, anh Lê Công Tâm, người từng bắt 3 con trăn, nói.
Anh Tâm cho biết đã mất 40 con dê vì trăn tấn công trong 5 năm qua. Bắt được "thủ phạm", anh không báo với chính quyền vì sợ sẽ bị tịch thu. "Nếu muốn chủ trang trại giao nộp trăn cho kiểm lâm sau khi bắt thì nhà chức trách phải cam kết hỗ trợ một ít tiền thiệt hại, chứ không dê chúng tôi bị mất oan quá”, anh Tâm nói.
Cũng bức xúc vì đàn trăn tấn công hơn 400 con dê trong 20 năm qua, chủ trang trại Nguyễn Kỳ nói: “Người dân sống ở chân núi, chưa tính đến chuyện trăn gây thiệt hại vì ăn gia súc, con người cũng đang bị đe dọa thì tại sao chúng tôi không được bắt? Bắt trăn cũng chỉ bán có vài triệu đồng chứ chẳng làm giàu gì cả. Nếu chính quyền hỗ trợ thiệt hại người dân sẵn sàng bắt trăn giao nộp".
Theo ông Kỳ, ngoài việc hỗ trợ phần nào chi phí thiệt hại do trăn tấn công gia súc, cách tốt nhất để bảo vệ đàn trăn cũng như người dân và gia súc là khoanh vùng khu vực rừng Già. Sở dĩ lâu nay dân bắt được nhiều trăn, nhưng không trình báo chính quyền, kiểm lâm vì không nghĩ sẽ được bồi thường thiệt hại.
“Nếu bị bắt trộm hoặc bị con vật của nhà nào đó tấn công thì trình báo để cơ quan chức năng giải quyết. Chứ bây giờ biết rõ đó là trăn trên núi gây ra, báo cũng chẳng làm được gì, chả lẽ đi bắt con trăn đền”, anh Lê Công Tâm lý giải.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Quế Thọ, thừa nhận rất khó nắm thông tin săn bắt trăn do người dân sợ bị tịch thu nên bán hoặc làm thịt ngay. “Tất cả vụ bắt trăn đều xong rồi chúng tôi mới nghe, không kịp vận động người dân giao nộp”, ông Sơn nói và cho hay rừng Già vốn có nhiều người qua lại để chăn bò và trồng cây. Hiện người dân đã trồng rừng keo bao phủ toàn bộ đồi núi, điều này có thể làm ảnh hưởng đến môi trường sống của trăn.
Kiểm tra khu rừng Già
Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Nam, cho biết mới nhận được thông tin trăn quý hiếm xuất hiện tại rừng Già. "Chúng tôi chỉ nghe tin ngày hôm qua và hôm nay cử người kiểm tra, rà soát khu vực rừng Già nơi trăn sinh sống để tìm hướng xử lý. Đây vốn là vùng trung du nên việc trăn xuất hiện nhiều là rất lạ, từ trước đến giờ chưa nghe thấy", ông Tuấn nói.
Chi cục trưởng Kiểm lâm khuyến cáo người dân không nên tới những khu vực khe suối, ẩm thấp, nơi trăn ưa thích. "Loài này quý hiếm, người dân không nên săn bắt chỉ vì nó tấn công gia súc", ông Tuấn nói và cho hay nếu người dân bắt được vì nó tấn công gia súc, nhà chức trách sẵn sàng bồi thường thiệt hại. Kinh phí lấy từ nguồn hỗ trợ thiên tai.
Trước đó trưa 10/12, phát hiện mất bê con, chị Nguyễn Thị Minh ở thôn Phú Cốc Tây, xã Quế Thọ, đã đi tìm và phát hiện con trăn nằm dưới suối bụng căng tròn. Nghi nó là thủ phạm nuốt bê con, chị Minh đã báo cho người nhà đến vây bắt được con trăn nặng hơn 30 kg, dài 5 m, trong bụng chứa bê con hơn 30 kg.
Ngay sau đó người dân các xã lân cận, quanh khu vực rừng Già phản ánh đàn trăn đã tấn công hàng loạt bò, dê. Có người từng bắt được con trăn nặng 83 kg, còn những loại dưới 10 kg tiến sát khu dân cư thì rất nhiều.
Tiến Hùng - Hương Thu