Trung tuần tháng 5, những con đường ven biển ở xã Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) tấp nập người qua lại, hàng chục con tàu cập bờ để đưa những ngư dân trở về sau chuyến vươn khơi dài ngày. Họ trở về để làm đám giỗ cho những người thân, đồng nghiệp. Đây là ngày giỗ chung của 86 ngư dân xã Bình Minh mất trong cơn bão Chanchu 10 năm trước.
Bị thiệt hại nặng nề nhất sau trận bão lịch sử, xã Bình Minh từ đó gắn liền với tên gọi “làng Chanchu” - cái tên mà những người dân làng chài nghèo luôn né tránh bởi không muốn nhắc lại tang thương quá khứ. Hàng năm, xã Bình Minh chọn ngày 20/4 âm lịch (17/5/2006) để làm giỗ chung cho 86 con em. Ngày này 10 năm trước tâm bão Chanchu quét qua vùng biển bắc Hoàng Sa, cướp đi sinh mạng 266 ngư dân.
Vừa trở về từ chuyến đi biển dài ngày để kịp thắp nén hương cho đồng nghiệp, ngư dân Trần Nuôi (45 tuổi, thôn Bình Tân) kể, đầu tháng 5/2006, tàu anh gồm 32 ngư dân ra vùng biển Hoàng Sa câu mực. Khi chưa đánh bắt được nhiều thì nhận được tin báo có bão, thuyền trưởng liền cho tàu đi trú.
“Lúc đó nghe dự báo bão vào biển Đông và theo hướng Tây nên chúng tôi cho tàu chạy lên phía Bắc để lánh nạn. Khi đến đảo Đông Sa thì đã thấy khoảng 40 tàu cá với gần 1.000 ngư dân đang neo trú. Lúc này chúng tôi đang cách tâm bão khoảng 700 km, dự báo bão lại đi hướng Tây và Tây Tây Bắc nên ai cũng nghĩ đã an toàn”, anh Nuôi kể.
Tối 14/5, hầu hết ngư dân neo đậu xong tàu thuyền ở bãi đá, cách đất liền đảo Đông Sa khoảng một hải lý. Cho rằng đã tránh được đường đi của bão, họ vui vẻ đánh bắt cá ăn uống, làm mồi nhậu. “Sau khi liên lạc về gia đình báo đã trú ẩn an toàn, chúng tôi lo cho những tàu bạn không di chuyển lên hướng Bắc như mình mà lại đi theo hướng Tây để vào đất liền tránh bão”, anh Nuôi nói.
Theo anh Nuôi, trong ngày 15/5, thời tiết ở khu vực Đông Sa rất đẹp, trời yên biển lặng. Những ngư dân rảnh rỗi sang tàu của nhau trò chuyện. “Đến sáng 16/5 thì gió bắt đầu lớn nhưng không ai nghĩ bão đã chuyển hướng. Gió càng lúc càng mạnh, sóng biển đập vào mạn hàng chục con tàu đang neo đậu. Hệ thống liên lạc của các tàu đều không hoạt động, chúng tôi không hay biết bão đang tới gần. Đến tối thì tất cả trở tay không kịp”, ngư dân sống sót kể.
Khoảng 20h tối 16/5, tàu cá đầu tiên neo đậu gần đảo Đông Sa bị sóng đánh chìm. Và suốt một đêm quần thảo qua vùng biển này, bão làm gần 20 tàu cá bị chìm, những tàu còn lại bị hư hỏng nặng. Tàu của anh Nuôi chống cự được đến khoảng 6h sáng 17/5 thì bị đứt neo, va vào đá vỡ tan trước khi chìm. 32 thuyền viên nhảy xuống nước nhưng chỉ anh Nuôi và ngư dân Trần Công Nhanh thoát nạn.
Sau khi nhảy xuống biển, họ tìm những thứ trôi nổi từ tàu để bám vào, nhưng rồi cũng bị sóng xô. Trong lúc chới với, anh Nuôi gặp cha con người hàng xóm đang bơi tới. Họ nhặt những hộp nước ngọt trôi ra từ tàu, chia nhau uống để cầm cự. Bơi đứng suốt nhiều tiếng, đến trưa 17/5, anh Nuôi và anh Nhanh gặp được tàu Quảng Ngãi. Những ngư dân trên tàu vớt hai người lên trong tình trạng đã kiệt sức, trên người không còn mảnh vải che thân. Còn hai cha con người hàng xóm vừa chia nước ngọt cho họ mất tích, sau này vẫn không tìm thấy thi thể.
“Lên tàu, chúng tôi vừa nghỉ vừa đi tìm những đồng nghiệp đang trôi nổi. Cảnh tượng lúc đó thật kinh hoàng, bão đã đi qua nhưng gió vẫn giật rất mạnh. Những mảnh vỡ tàu trôi ngổn ngang giữa biển”, anh Nuôi nhớ lại. Chiếc tàu Quảng Ngãi sau đó vớt được 15 người còn sống và 6 thi thể. Trong đó có ngư dân 17 tuổi quê Quảng Ngãi trôi nổi giữa biển hơn một ngày vẫn sống sót. Hai ngày sau, nhận định không còn ngư dân trôi nổi, họ cho tàu chở các thi thể về đất liền.
Trong khi những ngư dân chạy lên hướng Bắc gặp nạn thì hàng trăm người khác chạy vào đất liền may mắn không bị thiệt hại. Anh Phạm Phú Thành (50 tuổi, thôn Bình Tân) là một trong những ngư dân đó. “Nghe tin có bão, chúng tôi cho tàu chạy vào đất liền. Dự báo tốc độ của bão từ 12 đến 17 km/h, trong khi thời điểm đó hầu hết tàu chỉ chạy được khoảng 7 km/h, ai cũng nghĩ sẽ không qua khỏi”, anh Thành nhớ lại.
Sáng 15/5, cho rằng không thể chạy kịp vào đất liền, cũng không thể quay trở lại để tìm đảo trú ẩn, tàu của anh Thành cùng nhiều tàu cá khác quyết định dừng, thả neo giữa biển. “Chúng tôi đã đổ dầu xung quanh tàu để hòa vào sóng biển làm cho sóng đỡ đập vào tàu, tránh bị chìm. Khi đã chuẩn bị đón cơn bão thì chúng tôi nhận tin nó đã chuyển hướng, thật may mắn”, anh Thành nói. Ngư dân này chính là chủ tàu cá Qna 95959 bị tàu nước ngoài đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa hồi đầu tháng 5, thiệt hại hơn 6 tỷ đồng.
Các ngư dân sống sót ở đảo Đông Sa cho hay có hơn 200 người gặp nạn khi đang trú ẩn tại đây, trong đó rất ít thi thể được tìm thấy. Những người phụ nữ mất chồng, mẹ mất con... phải lập mộ gió để lo hương khói.
Sau chuyến đi để đời đó, anh Nuôi lên bờ làm thuê vài năm rồi mới trở lại biển. Ngư dân này nói rằng, anh cũng như nhiều người sống sót trong trận bão đó suốt 10 năm nay chưa một lần trở lại vùng biển gặp nạn vì quá ám ảnh về những cái chết của đồng nghiệp.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, số người chết và mất tích trong bão Chanchu là 266, trong đó vớt được 20 thi thể (Quảng Nam 9 người; Đà Nẵng 5 người; Quảng Ngãi 1 người và 5 người chưa xác định được danh tính). Số mất tích là 246 (Quảng Nam 148; Đà Nẵng 72; Quảng Ngãi 23; Bình Định 4; Thừa Thiên Huế 3; Tiền Giang 1). Quảng Nam có nhiều ngư dân thiệt mạng nhất với gần 160, trong đó nặng nề nhất là xã Bình Minh, huyện Thăng Bình với 86 người. 20 gia đình có 2-3 người bị nạn. Những người chết và mất tích đều là lao động chính trong các gia đình nghèo. Số tàu thuyền bị chìm là 13 (Đà Nẵng 7, Quảng Ngãi 5, Bình Định 1); số tàu thuyền mất tích là 5 tàu (Đà Nẵng 3, Quảng Nam 2). |
Tiến Hùng