Sáng 12/1, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị sơ kết công tác triển khai công văn 2662 khuyến cáo không sử dụng và di dời biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi di tích, công sở, nơi công cộng...
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đánh giá, qua 5 tháng thực hiện, chủ trương này tạo được sự đồng thuận; làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu mẫu linh vật qua triển lãm; ra sách báo, giải quyết được vướng mắc của địa phương trong việc xử lý các hiện vật ngoại lai… Có 22/35 di tích ở 8 địa phương mà đoàn thanh tra của Bộ, Cục Di sản tới kiểm tra, có hiện vật ngoại lai, đến ngày 15/12/2014 cơ bản di dời hết.
"Tôi chưa thấy chủ trương nào lại nhận được sự ủng hộ và thực hiện đồng loạt, quyết liệt đến thế", Thứ trưởng Liên nhận xét.
Bà Liên cho biết thêm, thời gian đầu công văn 2662 chưa nhận được sự đồng thuận, nhất là các làng nghề chế tác. Làng đá Non Nước (Đà Nẵng) còn kiến nghị lên cả Quốc hội. Tuy nhiên, qua những chuyến làm việc của Bộ, Sở Văn hóa, đến nay các nghệ nhân bắt đầu chuyển sang sản xuất linh vật thuần Việt. "Tôi rất vui khi nghe tin các nghệ nhân làng đá Non Nước hay Ninh Vân (Ninh Bình) đã chế tác linh vật truyền thống và bước đầu nhận được đơn đặt hàng từ nhân dân", Thứ trưởng cho hay.
Phó giám đốc Sở Văn hóa Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Chiến chia sẻ, tồn tại lớn nhất của thành phố không phải ở di tích mà là làng nghề. Có hàng nghìn lao động phục vụ trong các cơ sở sản xuất chế tác mỹ nghệ. Khi công văn 2662 ra đời, 4.500 cặp tượng linh vật ngoại lai không bán được. "Qua quá trình tuyên truyền, tập huấn, các làng nghề đã thống nhất 4.500 cặp tượng không bán được này sẽ đục lại theo mẫu tượng cổ của Việt Nam", ông Chiến nói.
![linh-vat-ngoai-lai-2-7211-1421050914.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/01/12/linh-vat-ngoai-lai-2-7211-1421050914.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DMoIbwz1DLuxbl9nMIxOOA)
Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng - địa phương có làng chế tác sư tử đá lớn nhất nước, cho biết, đến nay các làng nghề đã thống nhất sửa lại hoặc làm mới 4.500 đôi sư tử đá không bán được sau khi công văn 2662 ra đời. Ảnh: Quỳnh Trang.
Phó giám đốc Sở Văn hóa các tỉnh Ninh Bình, Hưng Yên, Hà Nam cũng cho biết đã bước đầu thành công trong việc tuyên truyền không sử dụng hiện vật ngoại lai và di dời hiện vật ra khỏi di tích. 8 con sư tử đá ở Hoa Lư, đền Thánh Nguyễn (Ninh Bình); 20 sư tử ngoại lai tại Hưng Yên; 50/163 di tích ở Hà Nam có sư tử đá… đã được di dời hết.
Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều di tích nhất cả nước và số lượng sư tử đá án ngữ cũng cao (538 con). Phó giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội cho biết, đến nay đã có 146 sư tử được chuyển đi, nhưng thực hiện việc này còn khó khăn.
“Nhiều người dân, thậm chí cán bộ văn hóa không nhận diện được đâu là linh vật Việt, đâu là ngoại lai. Có những hiện vật được đưa vào di tích đã trên 10 năm nên chuyện di dời lại gắn với yếu tố tâm linh. Xử lý linh vật ngoại lai thế nào chúng tôi cũng lúng túng, có nơi đưa vào kho, có nơi tính đem đi chôn… Khối lượng linh vật nhiều nên kinh phí vận chuyển cũng là vấn đề rắc rối”, Phó giám đốc Trương Minh Tiến bày tỏ.
Chia sẻ khó khăn của Hà Nội, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đưa ra hướng giải quyết là chuyển tất cả vào miếng đất (mượn của doanh nghiệp chưa xây dựng) cạnh Bảo tàng Hà Nội để làm một vườn tượng.
Quỳnh Trang