Từ hôm qua đến nay, khu vực Thừa Thiên Huế - Bình Định chỉ còn mưa nhỏ hoặc không mưa, lũ trên các sông đang xuống, riêng Bình Định hàng nghìn hộ dân vẫn bị cô lập do nước rút chậm và một số tuyến giao thông còn chia cắt.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ làm ít nhất 24 người chết, thêm 7 người so với ngày 17/12. Trong đó, Bình Định 16 người, Thừa Thiên Huế 5 người, Khánh Hòa 2 người và Phú Yên một người. Bình Định còn có hai người mất tích.
Mưa lũ cũng làm 16 người bị thương, nhiều nhất Quảng Ngãi 8, Phú Yên 6 và Quảng Nam 2. Hàng nghìn ngôi nhà đổ sập, hoặc bị cuốn trôi do thiên tai gây ra. Các tuyến đường quốc lộ sạt lở, cầu cống hư hỏng đã được sửa chữa và lưu thông trở lại.
Với hậu quả nặng nề về người và tài sản, các tỉnh miền Trung ước tính thiệt hại khoảng 780 tỷ đồng, trong đó chưa tính Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Không khí lạnh kết hợp nhiễu động gió trên cao đã gây mưa lớn ở miền Trung từ ngày 11 đến 16/12 với tổng lượng phổ biến 400-500 mm, một số trạm gần 600 mm. Mưa lớn khiến lũ trên các sông dâng, nhiều vùng dân cư bị ngập sâu và cô lập kéo dài khi các tuyến đường bị chia cắt.
Chủ tịch Bình Định cho biết đây là lần đầu tiên đối diện đợt mưa lũ khủng khiếp như vậy, cơ sở vật chất của tỉnh đã quay lại "10 năm trước". Còn Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương lần đầu tiên phải dùng cụm từ "đặc biệt nghiêm trọng" khi nó đạt mức lịch sử năm 2003.
Cơ quan khí tượng dự báo trong 12-24 giờ tới, lũ trên sông Kôn (Bình Định) tiếp tục xuống chậm, đến sáng mai nước tại Thạch Hòa xuống mức 7,3 m, trên báo động 0,3 m. Sau đợt lũ này, khả năng cuối tháng 12 các tỉnh miền Trung tiếp tục có đợt mưa lớn, vì vậy người dân không được chủ quan.
Để hỗ trợ bà con vùng thiên tai, nhiều đơn vị của Bộ Quốc phòng, ngân hàng, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, giới chức địa phương đã hỗ trợ 23 tấn lương khô, hơn 25.000 thùng mì tôm, hàng nghìn thùng nước khoáng, 10 tấn gạo... |
Xem thêm: Khoảng 100 người chết sau 5 đợt mưa lũ
Vì sao miền Trung liên tiếp mưa lũ