Giới chức tình báo Mỹ chưa xác nhận Akhmed Chatayev có liên quan tới vụ thảm sát tại sân bay quốc tế Ataturk nhưng cũng không phản bác lại các nguồn tin từ báo chí Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng y chính là kẻ chủ mưu gây ra vụ việc, theo CBS News.
Chatayev không phải cái tên xa lạ với giới an ninh. Hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ xác định y là "chỉ huy của Tiểu đoàn Yarmouk", một chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Chechnya, "những kẻ đã lên kế hoạch tấn công nhằm vào các cơ sở của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ".
Chatayev từng là cựu binh tham gia hai cuộc chiến tranh ở Chechnya và bị rơi vào tay của lực lương an ninh Nga hồi năm 2000, theo báo cáo từ Tổ chức Ân xá Quốc tế. Chatayev phải cắt bỏ một cánh tay vì nhiễm trùng sau khi bị thương khá nặng.
Chatayev cùng vợ con bỏ trốn đến Áo và tới năm 2003 thì được cấp chứng nhận tị nạn. Từ đó tới nay, Chatayev luôn nằm trong danh sách đối tượng truy nã hàng đầu của Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB). Họ miêu tả y là "sứ giả ở châu Âu" của Doku Umarov, lãnh đạo nhóm Hồi giáo cực đoan Chechnya có liên hệ với IS.
Với tấm hộ chiếu Áo, Chatayev được phép di chuyển tự do vòng quanh châu Âu.
Năm 2008, Chatayev bị bắt cùng một số công dân Chechnya khác tại thị trấn Trelleborg, Thụy Điển, vì cảnh sát phát hiện thấy súng, chất nổ và đạn dược trong xe của y. Chatayev dành khoảng một năm ngồi tù ở Thụy Điển.
Tháng 1/2010, vì một lý do chưa rõ, Chatayev bị chính quyền Ukraine bắt giữ.
Đến năm 2011, Chatayev bị bắt một lần nữa trong khi đang tìm cách vượt biên từ Bulgaria sang Thổ Nhĩ Kỳ. Chatayev tiếp tục được giải cứu bởi tình trạng tị nạn của y sau khi tòa án ở Plovdiv từ chối dẫn độ Chatayev về Nga.
Dưới cái tên Akhmed al-Shishani, Chatayev dính líu vào một cuộc đụng độ đẫm máu với đặc nhiệm Georgia vào năm 2012. Vụ việc khiến 14 người chết, trong đó có 11 đối tượng tình nghi khủng bố.Y sau đó được tuyên vô tội.
Chatayev đáng nhẽ phải trở về Áo nhưng thay vào đó, hồi tháng hai, người ta lại thấy y xuất hiện trong một đoạn video đăng tải trên Youtube được ghi hình tại khu vực do IS kiểm soát ở Syria, theo Bộ Tài chính Mỹ.
Ba kẻ đánh bom tự sát ngày 28/6 tấn công sân bay Ataturk, Istanbul, khiến 43 người thiệt mạng, gần 240 người bị thương. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ hôm 30/6 nói chúng mang quốc tịch Nga, Uzbekistan và Kyrgyzistan, có dính líu đến IS.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm giữ 13 người, gồm ba người nước ngoài, trong các đợt đột kích khắp Istanbul để truy tìm nghi phạm liên quan đến vụ tấn công sân bay.
Xem thêm: Cuộc chiến toàn diện có thể nổ ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ và IS
Vũ Hoàng