Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam, ông Pete Peterson chia sẻ với VnExpress ông rất tự hào vì đã đóng góp cải thiện quan hệ giữa hai nước trong quá trình bình thường hóa suốt 20 năm qua. Những gì Việt - Mỹ đạt được hôm nay là nhờ nỗ lực chăm chỉ của nhiều cá nhân từ hai nước trong những hoàn cảnh rất khó khăn, mối quan hệ hiện nay có thể khiến các đối tác khác thán phục. Ông Peterson nói bên lề Hội nghị "Quan hệ Việt Mỹ: 20 năm thành công hơn nữa" sáng nay tại Hà Nội.
Nỗ lực gây dựng niềm tin những ngày đầu
Ông Peterson cho biết vào thời điểm Việt Nam và Mỹ bắt đầu nối lại quan hệ ngoại giao năm 1995, hai nước vẫn còn có quan điểm đối lập về nhiều vấn đề, hai bên đều thấy khó khăn trong việc tìm ra nền tảng chung cho hợp tác, thiếu những cơ sở cần thiết từ ban lãnh đạo.
"Với tư cách là đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam, trở ngại lớn nhất với tôi là làm sao để lãnh đạo Việt Nam nhận thấy tôi là một người đáng tin cậy, tôn trọng người Việt và khao khát mãnh liệt đưa hai nước trở thành bạn bè tốt trong tương lai", ông Peterson nói.
Về phía Việt Nam, đại sứ đầu tiên tại Mỹ, ông Lê Văn Bàng miêu tả những gì hai nước trải qua trong những năm qua là "một rừng khó khăn". Ông Bàng lấy ví dụ, trong chính căn phòng hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hôm nay, có những lúc phía Mỹ nói rằng họ sẽ tự tìm thông tin để tìm kiếm binh lính mất tích sau chiến tranh, chỉ yêu cầu Việt Nam cung cấp trực thăng. Sau đó Mỹ thừa nhận là "Việt Nam vô cùng thành thật", họ đánh giá cao sự giúp đỡ của Việt Nam.
"Chúng ta gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn làm việc này trong 20- 30 năm nay. Phía Mỹ cũng muốn giúp Việt Nam tìm người Việt mất tích trong chiến tranh, như cung cấp bản đồ, thông tin về các ngôi mộ tập thể của bộ đội Việt Nam", ông Bàng nói.
Cựu đại sứ Bàng nói việc Mỹ công bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam mới đây là "điều không ngờ" với ông, dù là người trong cuộc. Những người cùng thế hệ của ông Bàng từng đấu tranh đề nghị Mỹ cung cấp vũ khí cho Việt Nam mà chưa đạt được.
Ông Peterson cho hay khi còn là đại sứ ở Việt Nam, ông cũng từng nêu yêu cầu chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nhưng lúc đó "chưa phải lúc thích hợp". Ông Peterson đồng tình với việc Mỹ sẽ sớm dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này với Việt Nam, "tôi không thể ước chừng việc này nhưng nó sẽ sớm xảy ra".
Cựu đại sứ Mỹ đánh giá "thời điểm này Việt Nam và Mỹ đang ở rất gần mức quan hệ chiến lược, khi hai bên đang thúc đẩy hợp tác nhiều lĩnh vực trong tầm nhìn hướng tới mối quan hệ này."
Việt Nam hoanh nghênh vai trò lớn hơn của Mỹ ở khu vực
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đánh giá Việt Nam và Mỹ phải trải qua một chặng đường rất dài và gian nan mới đạt được thành công hôm nay, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với cố Tổng thống Mỹ Harry Truman ủng hộ sự độc lập của Việt Nam từ năm 1946, mong muốn hợp tác toàn diện với Mỹ.
"Không may lịch sử đã không tiến triển theo định hướng đó. Nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải mất đến gần 70 năm, khi hai nước hình thành khung đối tác toàn diện hiện nay", ông Ngọc nói.
Thứ trưởng Ngọc cho rằng việc Việt - Mỹ xác lập khuôn khổ hợp Đối tác Toàn diện, khi Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức ký kết hồi tháng 7/2013, có thể coi là thành tựu quan trọng nhất của hai bên kể từ năm 1995 đến nay.
Trong khuôn khổ này, hai nước đề cao các nguyên tắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng hệ thống chính trị của nhau. Điều đó giúp Việt - Mỹ mở ra các cơ chế hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực, trong đó có chính trị đối ngoại, thương mại - kinh tế, quốc phòng an ninh.
Đại sứ Mỹ đương nhiệm tại Việt Nam Ted Osius khẳng định quan hệ hai nước hiện nay "đa dạng hơn rất nhiều" so với thời điểm bình thường hóa cách đây 20 năm. Việt Nam và Mỹ hiện nay có tầm nhìn chung về hòa bình, ổn định cũng như phát triển trong khu vực, và hai bên cùng có nỗ lực chung về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi về triển vọng Việt Mỹ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, ông Osius cho rằng: “Điều quan trọng là nội hàm của quan hệ hai bên. Các lãnh đạo Việt Nam và Mỹ đều rất tham vọng về quan hệ đối tác của hai nước và đều nhấn mạnh đến tính thực chất, đến những việc mà hai bên có thể làm cùng nhau”.
Một trong những nét chính trong hợp tác Việt - Mỹ sắp tới, theo đại sứ Osius, là Mỹ sẽ hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam. Hai bên sẽ thực hiện các hoạt động chung, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á, thúc đẩy các nước trong khu vực tuân thủ hợp tác quốc tế, không nước nào có hành động đe dọa nước khác. "Điều này sẽ giúp các nước hưởng lợi từ các tuyến hàng hải tự do, giúp hàng hóa vận chuyển tự do giữa các nước", ông nói. Đại sứ Osius cũng bày tỏ tin tưởng Việt Nam, Mỹ cùng các đối tác có thể hoàn tất Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay.
"Mục tiêu của Mỹ rất rõ ràng, chúng tôi muốn góp phần hỗ trợ Việt Nam trở thành một quốc gia hùng mạnh trên vùng Đông Nam Á, dựa trên pháp luật và nhân quyền", ông Osius nói.
Đề cập đến định hướng sắp tới, thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh Việt Nam hoan nghênh Mỹ đóng vai trò lớn hơn trong khu vực, sự can dự sâu hơn này của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên.
"Hai nước nên hợp tác trong duy trì ổn định và sự lâu bền của hệ thống quốc tế đương thời, đặc biệt là luật pháp quốc tế. Những mối đe dọa với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc đang gây nên những mối quan ngại nghiêm trọng với tất cả các nước trên thế giới", ông Ngọc nói.
Việt Anh