Trong khi Mỹ đang tiếp tục chương trình phát triển các biến thể tiêm kích tàng hình thế hệ 5 mới nhất trên nền tảng tiêm kích đa nhiệm thế hệ 5 Tia chớp F-35, Nga cũng đã và đang có những bước tiến vững chắc trong quá trình chế tạo một phiên bản tiêm kích tàng hình thế hệ mới của riêng mình, theo Bussiness Insider.
Hồi đầu năm, không quân Nga tuyên bố sẽ đưa vào sản xuất hàng loạt và trang bị đại trà siêu tiêm kích tàng hình thế hệ mới T-50. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích quân sự cho rằng chương trình phát triển T-50 (hay còn gọi là PAK FA) đang gặp nhiều trục trặc, làm dấy lên những hoài nghi về khái niệm "tiêm kích tàng hình thế hệ 5" của nó.
Theo trang phân tích quốc phòng IHS Janes, người Nga luôn quảng bá T-50 PAK-FA là chiến đấu cơ thế hệ mới, nhưng khi xem xét kỹ hơn về chương trình này, chiếc tiêm kích tối tân có thể chỉ là thế hệ 5 "trên danh nghĩa".
Trong triển lãm hàng không Singapore vừa diễn ra, đại diện nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin cho rằng khó có thể coi một chiến đấu cơ là mẫu thế hệ mới nếu chỉ dựa vào bề ngoài "có vẻ tàng hình" của nó.
Theo đó, T-50 khó có thể được xếp vào dạng tiêm kích thế hệ 5 bởi nó thiếu những công nghệ mang tính đột phá so với các chiến đấu cơ thế hệ cũ do Nga và Mỹ thiết kế. Trên thực tế, động cơ của T-50 tương tự như loại sử dụng trong tiêm kích Su-35, chiến đấu cơ thế hệ 4++ của Nga. Ngoài ra, T-50 và Su-35 cũng được trang bị rất nhiều hệ thống giống nhau.
IHS Janes chỉ ra rằng hệ thống radar NIIP Ibris và động cơ NPO Saturn trên T-50 đều cùng loại với các hệ thống tích hợp trên tiêm kích Su-35. Ngoài ra, một loạt các hệ thống điện tử khác trên T-50 không khác gì Su-35, bởi vậy phần ruột của T-50 không có nhiều cải tiến so với những công nghệ trên tiêm kích thế hệ 4++ này.
Ngay cả khi T-50 sở hữu một số hệ thống khác biệt so với với Su-35, những tính năng của chiến đấu cơ này vẫn chưa đạt được các tiêu chuẩn của tiêm kích thế hệ 5 thực thụ.
Trang RealClearDefense dẫn nguồn tin Ấn Độ hiểu biết về chương trình chế tạo PAK FA ở nước này cho hay tiêm kích T-50 gặp nhiều vấn đề về công nghệ như "công suất động cơ, độ tin cậy của hệ thống radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) và công nghệ tàng hình kém".
Công nghệ tàng hình là một trong các trở ngại lớn nhất ảnh hưởng tới việc xác định tính năng T-50. Trong năm 2010 và 2011, hai nguồn tin có hiểu biết về chương trình này của Nga ước tính rằng tiết diện radar (RCS) - hình ảnh thực tế của máy bay hiển thị trên màn hình radar - của chiến đấu cơ T-50 là 0,3-0,5 mét vuông, theo RealClearDefense.
Trong khi đó, không quân Mỹ cho biết RCS của tiêm kích F-22 Raptor rất nhỏ, chỉ khoảng 0,0001 mét vuông. Tiết diện radar của tiêm kích F-35 là khoảng 0,001 mét vuông, lớn hơn F-22 một chút nhưng vẫn rất nhỏ khi so sánh với RCS của T-50.
Chỉ số RCS của chiến đấu cơ các nước là thông tin mật được giữ kín, và các máy bay này trong thời bình thường gắn các thiết bị đặc biệt để che giấu tiết diện radar thực sự của mình. Cả Nga và Mỹ đều không công bố chỉ số RCS chiến đấu cơ của họ. Dù vậy, nếu các ước tính trên là gần đúng, có thể thấy khả năng tàng hình của T-50 kém hơn nhiều so với các tiêm kích thế hệ 5 của Mỹ.
Các chuyên gia Nga có hiểu biết về chương trình PAK FA cho rằng chiến đấu cơ này khó hút khách hàng ở thị trường châu Á, bởi các hệ thống trên T-50 không thể hiện rõ tính chất "thế hệ 5", trong khi giá thành của nó được cho là đắt hơn tiêm kích Su-35 mà Trung Quốc và Ấn Độ mới đặt mua.
Khi phát triển chương trình PAK FA, không quân Nga có kế hoạch sắm khoảng 52 chiếc T-50. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị cắt giảm xuồng còn 12 chiếc do những vấn đề về kỹ thuật, giá cả, trong khi nền kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn.
David Axe, người điều hành chuyên trang quân sự WarIsBoring cho rằng Nga đang ngấm "nỗi đau tàng hình", khi chiếc T-50 vốn đã ngốn rất nhiều kinh phí nghiên cứu, phát triển lại không đáp ứng được các kỳ vọng của họ. Để bù đắp cho việc cắt giảm sản xuất T-50, Nga đã đẩy mạnh chế tạo tiêm kích Su-35 và Su-30, hai loại máy bay thế hệ cũ.
Hôm 1/2, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết các tiêm kích đa nhiệm Su-35S hiện đại của Nga đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tác chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở Syria, theo TASS.
Chuyên gia phân tích quân sự Sergey Ptichkin của Interfax cho rằng Su-35 là mẫu máy bay rất đáng gờm, có độ tin cậy cao, với giá thành khoảng 50 triệu USD mỗi chiếc, chỉ bằng một nửa so với T-50. Su-35 chỉ thua kém T-50 về thiết kế tàng hình, nhưng hoàn toàn "ăn đứt" về độ tin cậy, chi phí và một số tiêu chí vận hành, trong đó có khả năng cơ động và tải trọng, chuyên gia này nhấn mạnh.
Duy Sơn