James Holmes, giáo sư chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hải Quân Mỹ, đồng tác giả cuốn Ngôi sao đỏ trên Thái Bình Dương, đánh giá một số loại tàu ngầm trên National Interest. Dưới đây liệt kê những con tàu theo ông là kém nhất trong lịch sử.
Tàu Thresher của Mỹ
Tàu hạt nhân USS Thresher SSN-593 đứng đầu trong lớp tàu tấn công nhanh của hải quân Mỹ đã biến mất vào tháng 4/1963 ở bắc Đại Tây Dương. Con tàu khi đó đang hoạt động ở gần độ sâu tối đa, đồng nghĩa với việc nó phải chịu áp suất nước rất lớn.
Một giả thiết được đặt ra là mối hàn ở thân tàu bị nứt khiến nước rò rỉ vào bên trong, làm chập các thiết bị điện và dẫn đến đóng lò phản ứng hạt nhân, khiến tàu không thể trồi lên khỏi mặt nước.
Tai nạn khiến hải quân Mỹ tất bật tìm nguyên nhân và cố gắng lấy lại danh tiếng tại thời điểm quan trọng trong Chiến tranh Lạnh.
Tàu Scorpion của Mỹ
Tàu Scorpion lớp Skipjack SSN-589 của Mỹ chìm vào tháng 5/1968, khiến 99 thủy thủ thiệt mạng. Nguyên nhân vụ việc không được xác định. Tuy nhiên, theo Bộ Tư lệnh Lịch sử Hải quân và Di sản Mỹ, sự kiện dẫn đến vụ việc có thể là "một quả ngư lôi Mark 37 bị vô tình kích hoạt trong khi kiểm tra". Tai nạn này tiếp tục giáng một đòn vào thanh thế của lực lượng hải quân Mỹ.
Tàu Kursk của Nga
K-141 Kursk là tàu ngầm hạt nhân lớp Oscar-II mang tên lửa hành trình của hải quân Nga. Con tàu được đóng sau Chiến tranh Lạnh này trở thành ẩn dụ cho những tai ương về kinh tế và chính trị đeo bám Nga thời kỳ hậu Xô viết.
Vào thời điểm đó, đội tàu hùng mạnh của hải quân Nga là một biểu tượng của niềm tự hào và hy vọng phục hồi đất nước. Nhưng hy vọng bị sứt mẻ khi một quả ngư lôi trục trặc đã dẫn đến vụ nổ, nhấn chìm tàu ngầm tại biển Barents tháng 8/2000.
Tàu Type 092 Xia của Trung Quốc
Tàu Type 092 Xia là tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) đầu tiên của hải quân Trung Quốc, đồng thời là tàu SSBN đầu tiên được thiết kế và đóng ở châu Á.Tàu Xia đi vào hoạt động vào năm 1983 nhưng phải đến năm 1988, thủy thủ đoàn mới thực hiện bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung JL-1, sau khi khắc phục những vấn đề về kiểm soát hỏa lực. Tuy nhiên, con tàu chưa bao giờ đi tuần tra ngăn chặn đối thủ và hiếm khi rời khỏi bến tàu. Cựu chỉ huy tàu ngầm William Murray mô tả tàu Xia "gây tiếng ồn lớn và lỗi thời".
Tàu lớp K của Anh
Tàu ngầm lớp K được thiết kế vào năm 1913 với mục đích thám thính cho hạm đội tàu nổi, che chắn các tàu chiến cùng lực lượng trước ngư lôi địch thủ, cầm chân và làm suy yếu đối thủ trước khi tàu tấn công đến. Để thực hiện được những yêu cầu trên, tàu sẽ phải di chuyển với vận tốc khoảng 21 hải lý (10.8m/s) trên mặt biển, nhanh hơn so với bất kỳ tàu ngầm nào của Anh vào thời điểm đó. Động cơ diesel không thể vận hành tàu với tốc độ cao như vậy, do đó hải quân Anh đã sử dụng động cơ hơi nước.
Tuy nhiên, tàu ngầm chạy bằng động cơ hơi nước không phải là một ý tưởng hay. Chúng thoát ra lượng nhiệt khổng lồ và một lượng lớn khí thải. Khi tàu lặn xuống, các lỗ hút nước và ống thoát hơi sẽ bị nhấn chìm, nước có thể rò rỉ vào tàu. Anh không hề mất tàu ngầm lớp K nào do xung đột với đối thủ, nhưng 6 trong số 18 tàu loại này lại chìm vì tai nạn.
Tàu K-219 của Liên Xô
Một ống tên lửa phát nổ trên tàu ngầm lớp Yankee SSBN K-219 của Liên Xô vào năm 1986 tại bắc Đại Tây Dương, cách đông Bermuda khoảng hơn 960 km, khiến 6 người thiệt mạng. Vụ việc là một trong những sự cố tàu ngầm gây tranh cãi nhất trong Chiến tranh Lạnh do tai nạn này hoàn toàn có thể phòng tránh.
Theo hai chuyên gia bình luận Igor Kurdin và Wayne Grasdock, vụ cháy nổ sẽ không xảy ra nếu có nhân viên thực hiện khâu kiểm tra cuối cùng ở ống tên lửa số 6. Hai ông cũng nhận định các lãnh đạo cấp cao cũng phải chịu trách nhiệm về vụ việc này khi thiết lập lịch tuần tra rối loạn, bỏ qua việc huấn luyện thủy thủ đoàn và đại tu định kỳ.
Lực lượng tàu ngầm Nhật Bản trong Thế chiến II
Trong Thế chiến II, sức mạnh của hạm đội Nhật Bản được cho là tương đương các tàu lớp Gato, thường được sử dụng làm mũi tiên phong của hạm đội Mỹ. Tuy nhiên, nước này để cho Mỹ vận chuyển lượng lớn thiết bị quân sự qua Thái Bình Dương, giúp quân đội Mỹ kéo dài khoảng cách trong tương quan lực lượng hai phe. Ngoài ra, việc thiếu một người chỉ huy quyết đoán và không có mục tiêu phấn đấu cũng là một trong số những nguyên nhân khiến hạm đội Nhật Bản trở thành một thứ tài sản lãng phí.
Phương Vũ (lược dịch)