Sau khi đối mặt với những khó khăn về kinh tế và kỹ thuật nghiêm trọng, Nga đã quyết định cắt giảm đáng kể chương trình phát triển dòng tiêm kích tàng hình tối tân T-50. Theo các chuyên gia phân tích quân sự, với việc trì hoãn trang bị số lượng lớn máy bay Sukhoi T-50, Nga đang ngầm thừa nhận một sự thật đau đớn mà Mỹ đã trải qua nhiều thập kỷ trước đây, và Trung Quốc có lẽ sắp phải nếm trải trong những năm tới: chế tạo máy bay tàng hình không hề dễ dàng.
Trong một bài viết đăng trên Reuters, chuyên gia phân tích quốc phòng David Axe, người điều hành chuyên trang quân sự WarIsBoring cho rằng cũng như tất cả các dòng máy bay tàng hình trước đây, chương trình phát triển siêu tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm T-50 đã ngốn rất nhiều tiền của của Nga, dù con số chính xác chưa được công bố.
Theo đó, các mẫu máy bay tàng hình như T-50 đòi hỏi phải được thiết kế rất cẩn thận, sử dụng các vật liệu đắt tiền, và phải được thử nghiệm toàn diện để đảm bảo khả năng né radar của đối phương, khiến chi phí chế tạo có thể cao hơn gấp đôi hoặc gấp ba so với các dòng chiến đấu cơ thông thường.
Dù tốn kém như vậy, nhiều nước vẫn quyết tâm sở hữu máy bay tàng hình, vì về lý thuyết, chúng có khả năng ẩn mình trước các loại radar của đối phương, tạo ra lợi thế rất lớn trong không chiến và các phi vụ ném bom bất ngờ.
Nga là nước tham gia khá muộn vào cuộc đua tàng hình trên thế giới. Từ năm 1983, Mỹ đã đưa vào hoạt động F-117, chiếc máy bay tấn công có khả năng né sóng radar đầu tiên trên thế giới. Đến năm 1997, Mỹ bổ sung vào kho vũ khí tàng hình của mình máy bay ném bom chiến lược B-2, và sau đó là chiến đấu cơ tàng hình "Chim ăn thịt" F-22 Raptor vào năm 2005. Thủy quân lục chiến Mỹ là lực lượng đầu tiên sử dụng F-35, chiếc máy bay tàng hình mới nhất của không quân nước này, vào tháng 7/2015.
Với hàng trăm máy bay tàng hình F-22, B-2 và hàng trăm chiếc F-35 sẽ được trang bị trong những năm tới cùng dự án phát triển Máy bay Ném bom Tầm xa mới thay thế cho B-2, Mỹ đang có trong tay ưu thế rất lớn về vũ khí tàng hình, dù họ đã phải bỏ ra nguồn kinh phí nghiên cứu, thiết kế, phát triển vô cùng lớn.
Trong khi đó, do những khó khăn về kinh tế sau thời kỳ Liên Xô tan rã, mãi đến năm 2002 Nga mới thực sự gia nhập cuộc đua tàng hình bằng mẫu thiết kế T-50. Mẫu thử nghiệm đầu tiên cất cánh vào tháng 1/2010, một năm trước khi Trung Quốc trình làng mẫu chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên J-20.
Tất cả máy bay tàng hình của Mỹ, Nga hay Trung Quốc đều có những điểm đặc biệt để giảm thiểu khả năng bị radar và các cảm biến của đối phương phát hiện, chẳng hạn như hình dạng tròn trĩnh hoặc góc cạnh để tán xạ sóng radar, và được phủ thêm vật liệu hấp thụ thay vì phản xạ sóng radar.
Tuy nhiên việc thiết kế máy bay tàng hình không hề đơn giản. Nó vừa phải đảm bảo khả năng né tránh radar tối đa, nhưng cũng phải có khả năng hoạt động đủ nhanh và đủ xa, mang theo lượng vũ khí đủ lớn để phát huy hiệu quả trong các chiến dịch quân sự. Chúng cũng không được quá tốn kém, ngoài khả năng mua sắm của không quân các nước. Trong suốt 40 năm phát triển công nghệ tàng hình, Mỹ đã không ngừng vật lộn để cân bằng các yêu cầu quan trọng này.
Mẫu máy bay ném bom B-2 được cho là có thiết kế cân bằng nhất, khi đảm bảo cả khả năng vận hành tốt lẫn tàng hình cao, nhưng giá thành của nó lên tới hai tỷ USD mỗi chiếc, quá đắt để có thể trang bị số lượng lớn. Đến nay không quân Mỹ mới chỉ mua được 21 chiếc máy bay hình cánh dơi này từ Northrop Grumman.
Hãng Lockheed Martin chế ra mẫu tiêm kích F-35 có giá thành thấp hơn, khoảng 120-145 triệu USD mỗi chiếc, nhưng đổi lại họ phải hy sinh một số tính năng tàng hình.
Cho đến nay, cả chính phủ Nga và tập đoàn Sukhoi đều chưa công bố chi phí sản xuất tiêm kích T-50, và một số chuyên gia quân sự ước tính con số này có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Họ cũng chưa công bố giá bán chi tiết của mẫu tiêm kích siêu thanh hai động cơ, một chỗ ngồi này, trong khi một số người phỏng đoán mức giá của T-50 có thể khoảng 100 triệu USD mỗi chiếc.
Đó là trong trường hợp T-50 chứng tỏ được khả năng và sức mạnh của mình trước các khách hàng khó tính. Nhưng đến nay, mẫu tiêm kích thế hệ 5 này vẫn chưa làm tốt được việc đó. Trong 6 năm qua, 6 nguyên mẫu T-50 mới chỉ hoàn thành 700 chuyến bay thử nghiệm, theo chuyên gia Piotr Butowski viết trên tạp chí Combat Aircraft.
Trong khi đó, Mỹ đã chế tạo 8 nguyên mẫu của F-22 trong giai đoạn 1997-2005 và cho bay thử tới 3.500 lần. Theo chuyên gia Axe, thực tế này chứng tỏ T-50 dường như vẫn chưa đủ độ tin cậy để thực hiện các bài thử nghiệm cường độ cao.
Điều này được thể hiện rõ nhất vào ngày 10/6/2014, khi một nguyên mẫu T-50 chưa đầy một năm tuổi bị cháy động cơ khi đang di chuyển trên đường băng. Động cơ chiếc T-50 bị hư hỏng nặng đến mức hãng Sukhoi đã phải ngừng sản xuất nguyên mẫu tiếp theo để dành phụ tùng sửa chữa cho chiếc này. Không quân Ấn Độ, nước có kế hoạch mua sắm T-50, cũng phàn nàn về "những nhược điểm trong vận hành và các đặc tính kỹ thuật" của chiếc máy bay.
Những gì xảy ra với Nga trong những năm qua cũng gây trở ngại đáng kể cho chương trình phát triển T-50. Sau một loạt lệnh cấm vận kinh tế của phương Tây và giá dầu thế giới lao dốc, kinh tế Nga rơi vào suy thoái và sụt giảm 3% trong năm 2015. Đến tháng 3/2015, Thứ trưởng Quốc phòng Yuri Borisov tuyên bố Nga sẽ chỉ mua 12 chiếc T-50 đến năm 2020, thay vì 60 chiếc như kế hoạch ban đầu.
Đến thời điểm đó, Mỹ sẽ có hơn 500 máy bay tàng hình trong biên chế. Trung Quốc cũng đã hoàn thành chiếc J-20 thành phẩm đầu tiên vào tháng 12/2015 và sẽ trang bị vài chục chiếc trong những năm tiếp theo.
Chiến lược bù đắp
Các chuyên gia cho rằng hứng chịu "nỗi đau tàng hình T-50" không đồng nghĩa với việc không quân Nga sẽ bị giảm sút sức mạnh tác chiến trong tương lai, khi nước này đề ra một chiến lược ứng phó mới.
Theo đó, thay vì mua sắm với số lượng lớn máy bay tàng hình trang bị cho các phi đội chiến đấu, không quân Nga sẽ mạnh tay đầu tư cho phiên bản nâng cấp của các dòng chiến đấu cơ cũ, cách làm mà Lầu Năm Góc từng coi là lãng phí. Trong tương lai gần, chiến lược này được cho là có thể giúp Nga tiếp tục duy trì sức mạnh tác chiến không quân của mình.
Để bù đắp cho việc cắt giảm sản xuất T-50, Nga đã đẩy mạnh chế tạo tiêm kích Su-35 và Su-30, hai phiên bản nâng cấp mới nhất của dòng Su-27, loại chiến đấu cơ hai động cơ trở thành hình mẫu tiêu chuẩn cho các dòng máy bay chiến đấu của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Su-35 và Su-30 không phải là các chiến đấu cơ tàng hình, nhưng chúng có tốc độ cao, có thể bay được xa và mang theo khối lượng bom, tên lửa rất lớn.
Su-35 là loại chiến đấu cơ rất đáng gờm. Nga đã đặt hàng 48 chiếc Su-35 trong năm 2009 và sẽ sớm đặt hàng 48 chiếc nữa trong tương lai gần. "Hoàn toàn khách quan khi nói rằng chiếc máy bay này là đỉnh cao thiết kế của chiến đấu cơ thông thường hiện nay, hòa trộn giữa thiết kế khí động học cơ bản với công nghệ động cơ, điều khiển và điện tử tiên tiến", chuyên gia phân tích Carlo Kopp thuộc tổ chức tư vấn Air Power Australia viết.
Được thiết kế dựa trên mẫu Su-27 lừng danh, Su-35 là mẫu máy bay rất đáng tin cậy. Nó cũng có giá thành tương đối rẻ, khoảng 50 triệu USD mỗi chiếc, chỉ bằng một nửa so với T-50 hay F-35. Su-35 chỉ thua kém hai dòng máy bay này về khả năng tàng hình, nhưng hoàn toàn "ăn đứt" T-50 hay F-35 về độ tin cậy, chi phí và một số tiêu chí vận hành, trong đó có khả năng cơ động và tải trọng.
Liệu ưu thế của máy bay tàng hình có bù đắp được cho các nhược điểm của chúng hay không là một câu hỏi vẫn làm đau đầu các chiến lược gia quân sự trên toàn thế giới. Lầu Năm Góc đã quyết định nghiêng về máy bay tàng hình, thậm chí còn cắt giảm các gói nâng cấp cho tiêm kích F-15 và F-16 để dành tiền phát triển F-35. Còn với Nga, hoàn cảnh đã bắt buộc nước này đặt cược vào các dòng tiêm kích thông thường thay vì phát triển máy bay tàng hình hiện đại.
Tính đúng đắn của các quyết định này chỉ có thể được kiểm chứng trong trường hợp Nga và Mỹ nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện, khi các dòng máy bay chiến đấu có thể phô diễn toàn bộ sức mạnh cũng như bộc lộ hết các điểm yếu của mình, nhưng đây lại là điều mà không một ai trên thế giới mong đợi, ông Axe nhấn mạnh.
Trí Dũng